Kháng sinh trong thực phẩm đang đe dọa người tiêu dùng
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, kế hoạch hành động cho năm cao điểm ngăn chặn thực phẩm “bẩn” 2016 tổ chức ngày 3.3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, không chỉ chất cấm mà hiện nay các kháng sinh trong thực phẩm cũng đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người tiêu dùng (làm mất khả năng đề kháng) nhưng chúng ta chưa quản được...
Chất cấm Salbutamol tại một doanh nghiệp vi phạm bị cơ quan thanh tra Bộ NN-PTNT và cảnh sát môi trường phát hiện
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, đến thời điểm này, cơ bản đã kiểm soát được các chất cấm như Salbutamol, Vàng ô... sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Đối với chất cấm Salbutamol, sở dĩ vừa qua xảy ra vi phạm là do chất này được Bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp dược nhập khẩu về để làm thuốc hỗ trợ chữa bệnh trong hoạt động y tế nhưng một số cơ sở vi phạm đã tuồn ra ngoài để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc các trang trại chăn nuôi. Mặc dù vậy, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT vẫn lo ngại chất cấm có thể bùng phát trở lại, tiềm ẩn trong các trang trại chăn nuôi, lò mổ và các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi vì đây là nhóm chất mang lại siêu lợi nhuận. “Giá nhập khẩu Salbutamol chỉ có 1,5 - 1,6 triệu đồng/kg nhưng khi bán ra thị trường lên tới 15 triệu đồng và nếu dùng cho heo ăn thì chủ trại sẽ lãi thêm ít nhất 500.000 đồng - 1 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Việt bày tỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trăn trở rằng trong 4 tháng gần đây nhất, lực lượng chức năng đã làm quyết liệt để kiểm soát và xử lý chất cấm trong chăn nuôi, đạt những kết quả khích lệ nhưng trên thực tế vẫn còn chất cấm. Người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu nhiệm vụ trong 4 tháng tới là phải ngăn chặn căn bản các chất cấm chứ không đợi theo kế hoạch cả năm 2016. Và còn nóng bỏng hơn cả chất cấm hiện nay là tình trạng lạm dụng kháng sinh trong thực phẩm, đặc biệt là thịt và thủy sản cùng vấn nạn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả. Cùng ngày, Bộ NN-PTNT đã công bố hai kế hoạch hành động quyết liệt trong năm 2016 gồm kế hoạch triển khai năm cao điểm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và năm thanh tra, kiểm tra vi phạm vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu lực lượng chức năng tập trung và tiếp tục “đánh” mạnh vào các vi phạm về kháng sinh, chất bảo quản và thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả. Không thể để tồn tại tình trạng cá ướp đạm urê, dùng chất bảo quản thủy sản khô và chế biến.
Bên cạnh ngăn chặn, những cơ quan có trách nhiệm phải chỉ ra được những cơ sở bán thực phẩm sạch để người tiêu dùng có thể yên tâm tin tưởng lựa chọn và tập trung vào khu vực đô thị, nơi đang có hơn 30 triệu người dân sống nhưng từng ngày đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm và lạm dụng kháng sinh, hóa chất.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu từ các vụ việc vi phạm về thực phẩm phải điều tra, lần mò ra các manh mối từ nhà máy sản xuất đến công ty nhập khẩu, buôn bán chất cấm thì mới có thể ngăn chặn, triệt phá tận gốc.
Theo Thanh tra của Bộ NN-PTNT về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, có 46 tỉnh, thành đã tổ chức kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm, 12/649 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất Salbutamol, 69/1026 mẫu nước tiểu vi phạm. Về thực phẩm nhập khẩu, phát hiện 26.981 lô hàng với hơn 80 mặt hàng nhập khẩu từ 70 quốc gia, lấy 241 mẫu (rau, củ, quả) để kiểm tra an thì có 49/190 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
So với 9 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau đã giảm 48%, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt đã giảm 75%, ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 4%. Bước đầu hình thành một số điểm bán thực phẩm an toàn. Người sản xuất, kinh doanh đã nhận thức nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo VĂN PHÚC - THANH HẢI (SGGP)