Đã có 50 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Thông tin này được Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại phiên họp lần thứ 3 của hội đồng chiều 3.3.
Tại phiên họp này, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thông qua nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
Không được phân biệt đối xử với người tự ứng cử
Theo đó, cả nước có 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiều nhất là Hà Nội và TP.HCM, mỗi địa phương có 10 đơn vị bầu cử).
Do số lượng người ứng cử thuộc cơ cấu trung ương giới thiệu là 198 ứng cử viên nên 15 đơn vị bầu cử có hai ứng cử viên là người được trung ương giới thiệu.
“Ở những đơn vị này, việc đảm bảo cho cả hai ứng cử viên được trung ương giới thiệu đều trúng cử là khá khó khăn” - phó trưởng Ban Công tác đại biểu, phó trưởng Ban Tổ chức trung ương Trần Văn Túy nói.
Cũng theo trình bày của ông Túy trước Hội đồng Bầu cử quốc gia, đến thời điểm này chưa xác định được số lượng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (tất cả ủy viên Bộ Chính trị khóa trước đều ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII - NV).
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các bước triển khai bầu cử đang được tiến hành khẩn trương, các tiểu ban cần rà soát những văn bản, hướng dẫn đã triển khai, bám sát diễn biến thực tế để giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh.
Đối với người tự ứng cử cần hướng dẫn cụ thể, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục, tránh để xảy ra những vướng mắc không đáng có.
Liên quan đến người tự ứng cử, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thiện Nhân cho biết theo thông tin sơ bộ có khoảng 50 người nộp hồ sơ tự ứng cử, nhiều nhất tại Hà Nội, TP.HCM. “Con số chắc chắn sẽ tăng trong những ngày tới” - ông Nhân nhận định.
Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ liên quan đến những lo ngại của người tự ứng cử về sự phân biệt đối xử có thể xảy ra trong quá trình tiến hành các bước của cuộc bầu cử, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Văn Pha khẳng định:
“Các cơ quan có trách nhiệm trong công tác bầu cử, đặc biệt là MTTQ VN, không được phân biệt đối xử, không được để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử. Bất cứ hành vi phân biệt đối xử nào đều vi phạm pháp luật.
Báo chí, cử tri, bản thân người tự ứng cử nên tham gia giám sát quá trình này để tránh xảy ra những thiếu sót, vi phạm đáng tiếc. Theo quy định của pháp luật, người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử bình đẳng như nhau trước pháp luật và trước cử tri”.
Với tư cách là người tham gia công tác bầu cử nhiều năm đồng thời là đại biểu Quốc hội, ông Pha “khuyên những người đã có ý định tự ứng cử phải xác định đây là chuyện nghiêm túc, đừng tham gia ứng cử với tâm lý để “thử xem thế nào” hoặc tham gia “để cho vui”.
Những người tự ứng cử có trình độ, có đạo đức, có uy tín cao, một lòng vì nước vì dân, được đông đảo cử tri tin yêu, tín nhiệm thì cơ hội trúng cử sẽ cao”.
TP.HCM 24 đại biểu tự ứng cử
Chiều cùng ngày, ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết đến thời điểm này Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 đã nhận được hồ sơ tự ứng cử của 24 người.
Trong đó 13 người nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và 11 người tự ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ mới. Trong số 24 người này có 4 người nộp hồ sơ hai cấp.
Cùng ngày, tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ công tác bầu cử ở các quận huyện, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP, chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP - lưu ý ủy ban bầu cử các cấp thực hiện tốt các khâu giới thiệu người ứng cử trên tinh thần phát huy dân chủ, đảm bảo khách quan, lựa chọn giới thiệu những người đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Đặc biệt, phải đảm bảo đúng cơ cấu về số lượng nữ, số lượng người trẻ ra ứng cử.
Theo L.KIÊN - M.HƯƠNG - Q.KHẢI (TTO)