Ðề cử UNESCO tôn vinh di sản Bài chòi Bình Ðịnh:
Đường còn dài
UBND tỉnh đã đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, trình Chính phủ đưa di sản Bài chòi Bình Ðịnh vào danh mục đề cử lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhìn lại công tác bảo tồn và phát huy bài chòi những năm qua, có thể thấy để tôn vinh di sản này lên “đỉnh cao” là cả chặng đường dài.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản
Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định được phục hồi vào năm 2000. Nhiều năm qua, nghệ thuật bài chòi luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo phục dựng, phát triển. Đến năm 2010, với sự tiếp sức của Dự án Bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định, cùng lớp tập huấn về hội đánh bài chòi cổ do Sở VH-TT&DL chủ trì thực hiện, hội đánh bài chòi cổ mới thực sự “sống lại” và xuất hiện ở nhiều lễ hội lớn: Đống Đa, chợ Gò, Nước Mặn, Đèo Nhông - Dương Liễu, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV, Ngày hội VH-TT miền biển…
Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Tuy Phước đưa Hội đánh bài chòi cổ vào phục vụ người dân. Đặc biệt, dịp Tết Nhâm Thìn 2012, Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định được giới thiệu thành công với công chúng thủ đô Hà Nội. Gần đây nhất, theo đề nghị của Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa, các nghệ nhân Minh Đức, Hoàng Việt đã đến TP Nha Trang để tập huấn về cách tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian theo đúng nguyên mẫu của Dự án Bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định. Nghệ nhân Minh Đức tâm sự: “Tôi chưa từng nghĩ có ngày lại được ra ngoài tỉnh để truyền dạy bài chòi cổ. Sau lớp tập huấn, Hội đánh bài chòi cổ dân gian đã được các học viên biểu diễn báo cáo thành công và gây nhiều ấn tượng cho người dân, cùng du khách trong dịp Festival biển Nha Trang 2013”.
Để được tôn vinh ở tầm cao hơn
Khi tiến hành tổng kiểm kê bài chòi diện rộng ở nhiều tỉnh, thành ở khu vực Nam Trung bộ, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam bước đầu khẳng định Bình Định là “cái nôi” của Hội bài chòi cổ dân gian. Năm 2012, Nhà xuất bản Âm nhạc (thuộc Bộ VH-TT&DL) đã phối hợp với Bình Định sản xuất chương trình DVD Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định, thay thế cho kế hoạch đề ra trước đó là sản xuất chương trình DVD nghệ thuật bài chòi ở các tỉnh miền Trung.
Thực tế đó phần nào khẳng định bài chòi Bình Định có bề dày lịch sử, mang bản sắc riêng trong không gian chung của bài chòi ở các tỉnh miền Trung. Ngày 16.4.2013, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm xem xét, có văn bản trình Chính phủ đưa Di sản bài chòi Bình Định vào danh mục đề cử lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; đồng thời có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp với tỉnh lập hồ sơ khoa học di sản bài chòi Bình Định trong giai đoạn 2013-2017. Qua đó, tôn vinh giá trị đích thực về lịch sử, văn hóa của di sản và có kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi Bình Định.
Được biết, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cũng đã đề xuất phối hợp với Sở VH-TT&DL, Hội VH-NT tỉnh tổ chức hội thảo về bài chòi Bình Định trong thời gian tới. Hội thảo này sẽ góp thêm những ý kiến khoa học về những giá trị riêng của bài chòi Bình Định.
Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, Phó Chủ nhiệm Dự án Bảo tồn và phát huy bài chòi cổ dân gian Bình Định, cho rằng: “Sở VH-TT&DL cần tiếp tục quan tâm tổ chức tập huấn về Hội đánh bài chòi cổ dân gian, đồng thời xây dựng kế hoạch nhân rộng việc tổ chức hội đánh bài chòi cổ về cơ sở”. Còn ông Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, bày tỏ: “Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian thường xuyên 3 buổi/tuần để phục vụ du lịch gắn với việc bảo tồn di sản. Mong rằng, Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định cũng sẽ được quan tâm hơn nữa để có thể tổ chức thường xuyên phục vụ người dân và du khách”.
HOÀI THU