Thực hiện Dự án Quản lý tài sản đường địa phương và xây dựng cầu dân sinh:
Hạ tầng giao thông sẽ được bảo đảm tốt hơn
Ông Trần Thanh Dũng
Bình Định là một trong 50 tỉnh, thành trong cả nước tham gia Dự án (DA) Quản lý tài sản đường địa phương và xây dựng cầu dân sinh (viết tắt là DA LRAMP) từ năm 2016-2020. Đây là dự án nhằm phát triển và quản lý tốt mạng lưới đường địa phương; sửa chữa, nâng cấp cầu dân sinh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT, về DA này.
* Xin ông cho biết quy mô DA LRAMP được triển khai tại tỉnh ta?
- DA LRAMP gồm hai chương trình chính, gồm quản lý tài sản đường địa phương và xây dựng cầu dân sinh, nhằm cụ thể hóa Chương trình Quốc gia xây dựng đường địa phương và chương trình xây dựng cầu dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ.
Cả hai chương trình này được triển khai trên cơ sở chiến lược phát triển giao thông Việt Nam tới năm 2020, được gắn kết chặt chẽ với nhau cùng hướng đến mục tiêu tăng cường tiếp cận các khu vực nông thôn khó khăn, điều kiện giao thông hạn chế, đặc biệt là các khu vực sinh sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, DA sẽ góp phần phát triển và quản lý tốt mạng lưới đường địa phương, nhằm tăng kết nối và bền vững của hệ thống giao thông phục vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH. Hỗ trợ xây dựng các cầu dân sinh trên các tuyến đường giao thông nông thôn cũng là nhằm tạo đà xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa cho các vùng miền trên toàn quốc.
DA LRAMP được thực hiện theo mô hình tài trợ dựa trên kết quả thực hiện với nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam và các tỉnh tham gia DA. Đối với hợp phần quản lý tài sản đường địa phương, phần vốn cho vay của WB là 135 triệu USD (tương đương khoảng 3.038 tỉ đồng) được phân bổ cho 14 tỉnh, thành trong cả nước; riêng Bình Định được phân bổ 8,6 triệu USD. Đối với hợp phần cầu dân sinh, phần vốn của WB tài trợ 245,5 triệu USD được phân bổ cho 50 tỉnh, riêng Bình Định được phân bổ 5,28 triệu USD.
Theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt mục tiêu thực hiện DA LRAMP tại Bình Định là nhằm thực hiện công tác khôi phục, bảo trì định kỳ và bảo trì thường xuyên hệ thống giao thông đường địa phương trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2018 với khối lượng gồm: Nâng cấp, khôi phục 16 đoạn tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã với chiều dài 127,70 km; bảo trì định kỳ 8 đoạn tuyến với chiều dài 19 km; bảo trì thường xuyên 468 đoạn tuyến với chiều dài 1.395 km, gồm 455 km đường tỉnh, 440 km đường huyện và 500 km đường xã. Tổng kinh phí để thực hiện trên 517 tỉ đồng, trong đó vốn vay WB trên 455 tỉ đồng, vốn đối ứng của tỉnh trên 62 tỉ đồng. Đối với hạng mục cầu dân sinh, từ năm 2016-2020, trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện nâng cấp, sửa chữa 26 cầu dân sinh với tổng kinh phí 317 tỉ đồng.
Thi công sửa chữa, nâng cấp tuyến ĐT 630 cầu Dợi - Kim Sơn (huyện Hoài Ân). Ảnh: NGUYỄN HÂN
* Ông đánh giá như thế nào về lợi ích của DA LRAMP?
- Trong nhiều năm qua, công tác bảo trì đường bộ địa phương tuy đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh quan tâm, song chưa đáp ứng yêu cầu. Vốn bảo trì đường bộ bố trí hàng năm mới chỉ chiếm 3% tổng vốn cho đường địa phương và mới chỉ đáp ứng chưa được 6-8% yêu cầu tính theo định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng đường bộ Việt Nam. Hầu hết các tỉnh, ngân sách địa phương mới chỉ cân đối đáp ứng một phần yêu cầu bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh và đường huyện; phần lớn đường xã chưa được cấp vốn bảo trì thường xuyên.
Tổng kết của WB tại nhiều quốc gia cho thấy, 1 đồng vốn bỏ ra cho công tác bảo dưỡng thường xuyên sẽ tiết kiệm được 3,5 - 3,75 đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản do đường sá hư hỏng trước thời hạn. Do vậy, việc Chính phủ triển khai DA LRAMP sẽ giúp các tỉnh, thành có nguồn kinh phí lớn để thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì hệ thống đường bộ được tốt hơn, góp phần làm cho hệ thống giao thông ở tỉnh ta ngày càng hoàn thiện, đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao; góp phần phát triển KT-XH tại địa phương.
* Hiện nay, DA đang được triển khai thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Để thực hiện có hiệu quả DA LRAMP, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT là đơn vị điều phối DA; đồng thời có trách nhiệm phối hợp với bộ, ngành chức năng, các địa phương tham gia DA chuẩn bị các bước thực hiện. Tại tỉnh ta, đến nay, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đầy đủ và kịp thời các yêu cầu từ công tác chuẩn bị đến công tác thẩm định DA, đáp ứng về nội dung và các tiêu chí đề ra.
Theo kế hoạch, sau khi Chính phủ ký kết Hiệp định vay vốn với WB, Sở GTVT sẽ tiến hành lập các bước chuẩn bị đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn lập DA trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, lập bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện thi công sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hệ thống đường địa phương vào cuối quý 2.2016.
Theo Quyết định vừa được UBND tỉnh phê duyệt, trong năm nay, nguồn vốn để thực hiện DA LRAMP khoảng 85 tỉ đồng thực hiện khôi phục 4 đoạn tuyến với chiều dài 19,5 km, bảo trì định kỳ 4 đoạn tuyến chiều dài 10,8 km, bảo trì thường xuyên 156 đoạn tuyến với tổng chiều dài 465 km.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)