Thị trường bán lẻ Việt Nam lo ngại… láng giềng
Năm 2015 được xem là năm bùng nổ của mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, với số thương vụ hoàn thành có giá trị trên 4,3 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2014. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ trở thành tâm điểm khi hàng loạt thương vụ lớn được giao dịch thành công. Hai tháng đầu năm 2016, xu hướng M&A trong ngành bán lẻ vẫn đang tiếp diễn. Điều gì đã và đang diễn ra trong ngành bán lẻ Việt Nam?
Người ra, kẻ vào
Gần 20 năm đầu tư và hiện diện tại Việt Nam, Tập đoàn Casino Group (Pháp) đang sở hữu 32 siêu thị Big C trên toàn quốc và 10 cửa hàng tiện lợi tại TPHCM, trở thành một trong các chuỗi siêu thị lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh hiện đại tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thông cáo báo chí liên quan đến các dự định tương lai do Tập đoàn Casino công bố, cho biết có ý định nhượng lại các hoạt động tại Việt Nam để tập trung vào thị trường truyền thống. Dự định này không gây ảnh hưởng gì đến các hoạt động hiện tại tại Việt Nam và kế hoạch đầu tư đã được tập đoàn xây dựng trước đó.
Mua thủy hải sản tại Co.opmart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thăng
Theo nguồn tin của chúng tôi, hiện thương vụ nhượng lại các bất động sản của Casino tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của đàm phán, được nhiều đại gia trong khu vực châu Á săn đón. Trước đó, Casino cũng đã hoàn tất việc bán chuỗi Big C tại Thái Lan với giá 3,5 tỷ USD cho Tập đoàn TCC (của một đại gia người Thái) nhằm cơ cấu lại vốn. Còn trong cuộc đua thâu tóm Big C tại Việt Nam, TTC được đánh giá có lợi thế hơn các đối thủ khác như Tập đoàn Dairy Farm của Singapore, Lotte Shopping của Hàn Quốc và AEON của Nhật.
Điều đáng lưu ý, TCC cũng chính là tập đoàn đã mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro Việt Nam và các bất động sản liên quan với giá 655 triệu Eur. Ngoài ra, các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan cũng đã lần lượt thâu tóm toàn phần hoặc một phần một số chuỗi bán lẻ của Việt Nam như Nguyễn Kim. Gần đây, có thông tin là hệ thống siêu thị điện máy Pico cũng đang nằm trong tầm ngắm của các DN Thái. Cùng với Thái Lan, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang ráo riết đầu tư, phát triển chuỗi phân phối tại Việt Nam. Cùng đua với các tập đoàn nước ngoài, các DN trong nước cũng phát triển không ngừng chuỗi phân phối để chiếm lĩnh thị phần, như Saigon Co.op, Satra, Vingroup với thương hiệu Vinmart… Mặt khác, DN trong nước cũng đang đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để đa dạng hóa các loại hình bán lẻ hiện đại.
Vấn đề đặt ra là tại sao các tập đoàn bán lẻ có thâm niên và tên tuổi trên thế giới lại rút khỏi Việt Nam, trong khi các tập đoàn ngoại khác lại dồn dập vào thế chỗ? Một chuyên gia thị trường chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam được xem là có tỷ lệ dân số trẻ cao, nhưng quy mô cũng như sức mua vẫn chỉ dừng ở mức thị trường tiềm năng. Hiện mô hình kinh doanh nhỏ, các chợ truyền thống đang cạnh tranh trực diện và chiếm ưu thế với 75% tổng doanh thu bán lẻ so với kênh mua sắm hiện đại. Thực tế cũng chứng minh, hiện có rất nhiều trung tâm thương mại (TTTM) tại Việt Nam chưa tìm được lối ra, phải đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động vì nhiều lý do. Metro hay Big C khi vào Việt Nam chỉ đơn thuần là họ tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng có lẽ, thị trường Việt Nam đã không mang lại kết quả kinh doanh như mong muốn.
Lo “nước chảy chỗ trũng”
Tuy nhiên, với các tập đoàn đến từ Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ lại nhìn thấy những cơ hội lớn từ thị trường Việt Nam. Nói như ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, lâu nay Saigon Co.op không ngại cạnh tranh với Metro, cũng không ngán Big C nhưng với các đối thủ mới thì có quá nhiều vấn đề đặt ra. Theo ông Nhân, mặc dù Big C và Metro vào Việt Nam từ rất sớm, nhưng họ ở xa nên sự hiện diện về hàng từ châu Âu trên các quầy kệ cũng rất hạn chế. Để có nguồn hàng chất lượng tốt, theo đúng tiêu chí kinh doanh (đặc biệt là Metro), họ đã góp phần không nhỏ cho việc định hướng sản xuất theo quy trình an toàn cho hàng ngàn hộ nông dân. Với các mặt hàng tiêu dùng nhanh, để cạnh tranh tốt về giá bán, họ cũng có chiến lược ưu tiên cho những sản phẩm bản địa.
Nhưng với các tập đoàn đến từ khu vực châu Á, cụ thể là Thái Lan lại khác hẳn. Mặc dù hiện diện thương mại của các DN Thái còn ít nhưng đi cùng với đó là hàng Thái xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Biểu hiện rõ nhất là ngay sau khi mua lại chuỗi cửa hàng Family Mart, Tập đoàn berli jucker pcl (BJC - Thái Lan) đã đổi tên thành chuỗi cửa hàng B’mart, đồng thời từng bước nâng dần tỷ lệ hàng Thái. Tại TTTM Robinson ở TPHCM, hàng Thái cũng đang áp đảo với nhiều sản phẩm khác nhau. Tương tự, với các hệ thống của Aeon hay Lotte Mart, hàng Nhật và Hàn Quốc cũng có nhiều lợi thế.
Ở góc độ DN sản xuất, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sadaco, lo ngại mặt hàng đồ gỗ vào thời điểm này đã và đang có sự chào hàng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia nhờ mẫu mã đa dạng và giá bán cạnh tranh hơn so với hàng Việt. Đáng lưu ý, phần lớn các DN nước ngoài vào VN đều đã xây dựng được hệ thống phân phối rất bài bản so với việc hình thành tự phát của DN Việt. Điều này đã tạo một khoảng cách rất xa về trình độ cũng như khả năng cạnh tranh của DN trong thời gian tới.
Với những gì đang diễn ra, Việt Nam đang là điểm nóng của bán lẻ trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Doanh thu qua hệ thống phân phối hiện đại hiện chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ, nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010-2015. Theo tính toán, đến năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ sẽ đạt và vượt mức 10 tỷ USD, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%. Sự hấp dẫn của thị trường, cộng với niềm tin về chất lượng của hàng Thái, Nhật và Hàn Quốc, có lẽ là động lực để các đại gia trong khu vực tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Hội nhập, mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa ai nắm giữ được hệ thống phân phối, người đó sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Nếu chúng ta cứ mãi loay hoay với bài toán quy hoạch mạng lưới, không quan tâm tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển hệ thống phân phối nhằm hỗ trợ cho sản xuất, sẽ khó tránh khỏi tình trạng “nước chảy chỗ trũng”. Cần một chính sách khôn ngoan để bảo hộ thị trường, hàng hóa trong nước là công việc hết sức cấp bách.
Nhìn nhận về thực trạng của ngành bán lẻ, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, không có cách hiểu ngây thơ là các DN Thái mua lại hệ thống siêu thị Việt để mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ bán lẻ. Cái họ tính đó là chiến lược đưa hàng Thái sang Việt Nam. Họ không đơn thuần là hãng bán lẻ mà là những tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, phân phối đủ mọi thứ, nên việc chuyển hàng Thái sang Việt Nam không khó, nhất là khi Cộng đồng ASEAN đã hình thành. Điều này rất nguy hiểm, bởi sân của mình mà không giữ được thì làm sao hàng Việt ra nước ngoài?
Theo Thúy Hả (SGGP)