Chuyện người phụ nữ nặn tò he
Người phụ nữ trung niên gầy gầy, ngồi lặng lẽ bên chiếc mẹt tre, trên đó là những cục bột đủ sắc màu, đôi tay thoăn thoắt nắn từng thỏi bột nhỏ thành hàng trăm con tò he hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt. Cứ thế, 40 năm qua, bà Tô Thị Hồng Nguyệt (54 tuổi, ở TP Quy Nhơn) có mặt khắp các chợ trong tỉnh, mang món quà, niềm vui đơn sơ đến cho trẻ con.
Bà Nguyệt quê ở thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn. Năm 12 tuổi, bà Nguyệt được truyền nghề làm tò he từ cô Bảy - một người bà con ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Trong một lần cô Bảy về quê (làng Cây Bông), đến thăm chơi nhà bà Nguyệt, thấy trong nhà cơ man nào là nồi niêu, chén bát, trái cây, con vật… làm từ đất sét. Biết bà Nguyệt chính là tác giả của những món đồ chơi tự làm ấy, cô Bảy quyết định chỉ bà Nguyệt làm tò he để bán, phụ giúp gia đình. Có khiếu lại lanh trí, ham thích tạo ra nhiều hình thù mới, chỉ vài tháng sau, tài nghệ làm tò he của bà Nguyệt đã vượt cả “thầy”; ngày ngày, ngoài giờ học, bà Nguyệt nặn tò he cho cha mẹ mang đi bán ở các chợ trong huyện, có khi vào cả Tuy Phước, TP Quy Nhơn.
Bà Nguyệt làm tò he tặng cho mọi người tại “Phiên chợ Ngày xuân” do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức.
Cáng đáng gia đình nhờ nghề nặn tò he
Năm 25 tuổi, bà Nguyệt theo chồng “nhập cư” Quy Nhơn, mang theo cả nghề nặn tò he về phố. Bà kể, cả bà lẫn nhà chồng cũng nhiều phen lúng túng, “mắc cỡ” khi hàng xóm hỏi tới công ăn việc làm của cô con dâu mới, người hỏi nghe câu trả lời xong thể nào cũng phán một câu… chưng hửng: nghề gì ngộ, như chơi đồ hàng vậy, lấy gì sống?!. Nặn tò he, “nghề mọn” như cách gọi của bà Nguyệt là vậy, nhưng mấy chục năm qua, cùng với nghề thợ gò của chồng, bà Nguyệt đã có thể cáng đáng gia đình, nuôi ba con học tới đại học.
4 năm rồi kể từ ngày người chồng đột ngột qua đời vì tai biến, ngày ngày người phụ nữ góa bụa vẫn miệt mài cho ra đời những con tò he xinh xắn, ngộ nghĩnh, cùng bà rong ruổi khắp các chợ, nơi hội hè, tiếp tục là nguồn thu nhập chính cho cuộc sống gia đình. Bà Nguyệt chân tình: “Nguyên liệu chính làm tò he là bột mì nhứt, giá rẻ, có sẵn ở địa phương; dụng cụ làm chỉ là cái lược nhựa, cây kéo thủ công và miếng thước bằng inox; thêm nữa là củi, gas để hấp chín tò he; tiền xe buýt đến nơi bán… toàn bộ “vốn liếng” bỏ ra chỉ vậy nên nặn ra tò he, tui bán chỉ 1 đến 2.000 đồng một con. Thỉnh thoảng “đụng độ” với những người làm tò he ở miền Bắc đến đây làm nghề, gặp tui, họ cứ phàn nàn là sao “bán phá giá”, khiến họ bị ế, tui kêu bán vậy cũng có lời rồi, bán đắt hơn chi!”.
Tò he kiểu Bình Định
Theo bà Nguyệt, nhìn bề ngoài, tò he do bà làm ra (tò he Bình Định) và tò he được làm bởi những nghệ nhân miền Bắc có điểm khác là tò he miền Bắc được gắn trên những đoạn tre mảnh, ngắn chừng gang tay, khá tiện lợi để cầm, còn tò he Bình Định…trụi lủi.
Bên cạnh đó, chính bà Nguyệt cũng thừa nhận tò he miền Bắc có nhiều hình thù đa dạng hơn. Không khó để gắn thêm cây vào mỗi con tò he hay “cập nhật” thêm mẫu mã tò he mới, song bà Nguyệt lại không chịu đổi mới, bởi “nếu bắt chước thì tò he của mình cũng giống của nẫu, thôi, bán in ít cũng được, ta cứ nặn tò he rặt kiểu Bình Định”, bà Nguyệt nói cứng. In ít ở đây nghĩa là mỗi ngày bà Nguyệt nặn và bán khoảng 1.000 con, cả xếp sỉ cho các mối tạp hóa quen lẫn đi bán lẻ.
Bên cạnh hình thức bề ngoài, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở nguyên liệu, quy trình nặn khiến cho tò he Bình Định tuy giá chỉ bằng 1 phần 10 nhưng lại có thể để chơi cả mấy tháng. Bà Nguyệt cho biết: “Tò he tui làm hoàn toàn bằng bột nhứt (trộn với phẩm màu hoặc màu tự nhiên với những mối đặt làm riêng), nặn xong đem hấp chín, để qua đêm cho khô ráo rồi mang đi bán, vài ngày đầu tò he còn độ dẻo, mềm, sau đó rất cứng và có thể để chơi lâu dài mấy tháng. Còn tò he của nghệ nhân miền Bắc, tui được biết là họ không hấp, nặn xong cứ hong ngoài gió là xong, vì vậy chơi chỉ vài ngày là gãy, hư …”.
Đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn tổ chức Phiên chợ ngày xuân, bà Nguyệt là người tham gia rất nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Làm nghề mọn, cả đời chắt chiu, song tại phiên chợ đặc biệt này, bà Nguyệt trình diễn nặn tò he rồi tặng cho trẻ con, du khách nước ngoài chứ không bán, bà bảo đó là “lì xì” của bà cho mọi người…
Với bạn đồng hành là tò he, bà Nguyệt có mặt khắp chợ lớn chợ bé, chợ phố chợ quê trong tỉnh, ra cả các tỉnh lân cận như Phú Yên, Quảng Ngãi. Đặc biệt, những phiên chợ tết, những nơi hội hè, lễ hội là nơi bà hay đến bán nhất. Người viết rất ngạc nhiên khi bà Nguyệt thuộc làu làu địa điểm, thời gian tổ chức các hoạt động lễ hội trong tỉnh, bà bảo đó là “lịch đi chợ” của bà suốt 40 năm qua…
Đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn tổ chức Phiên chợ ngày xuân, bà Nguyệt là người tham gia rất nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Làm nghề mọn, cả đời chắt chiu, song tại phiên chợ đặc biệt này, bà Nguyệt trình diễn nặn tò he rồi tặng cho trẻ con, du khách nước ngoài chứ không bán, bà bảo đó là “lì xì” của bà cho mọi người…Bà tâm sự: “Ngày trước, cô Bảy thường quả quyết: nặn tò he là nghề của người Trung mình, do dần dần cuộc sống hiện đại không mộ nên nghề thất lạc, mai một đi. Nếu quả là vậy, tui càng vui vì mình may mắn giữ được cái nghề hiếm hiếm lạ lạ của cha ông. Mấy chục năm bán tò he, tui cũng gặp không ít người khách có bà con sống ở nước ngoài, họ đặt tui làm tò he màu tự nhiên để gửi đi nước ngoài làm quà cho cháu, cho chúng biết một đồ chơi quen thuộc ở quê cha đất tổ…”.
SAO LY