Thầy ổn !
Truyện ngắn của Ý THU
Thầy là giáo viên dạy văn và cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp của chị suốt ba năm học cấp III trường chuyên của huyện. Thầy vui tính lắm. Giọng thầy trầm trầm, ấm ấm luôn hấp dẫn chị say sưa với mỗi tiết học. Thầy nói cuộc đời thầy chẳng khác gì cánh bèo trôi, nay đây mai đó. Thầy từng ở rừng rồi xuống biển. Giờ lại về thôn quê. “Và bây giờ, thầy rất vui khi được gặp các em!”. Thầy nói vậy bởi năm đó thầy vừa chuyển công tác về quê chị - một vùng quê thanh bình, yên ả và nghèo.
Thầy sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi, rồi trở thành chàng sinh viên Hà thành đầy mơ mộng…Thầy yêu say đắm từ đó…Ra trường, cưới vợ và “Thầy ở rể”. Gương mặt thoáng buồn khi nói vậy nhưng thầy lại cười: “Không sao! Thầy luôn ổn!”. Vợ thầy là có công việc ổn định ở thành phố lớn. Nhà con một, sống trong êm ấm, đủ đầy. “Thầy dạy ở đó 5 năm, đã có một em bé ba tuổi. Và bây giờ thầy về đây”…
Những buổi nói chuyện thầy - trò làm cuốn nhật ký về thầy của chị cứ đầy dần lên. Chị thương thầy phải xa gia đình, xa con nhỏ. Thầy vẫn cười: “Không sao! Thầy ổn!”. Cuối tuần nào cũng vậy, mặc kệ trời nắng hay mưa, thầy vẫn chăm chỉ bắt xe về thăm vợ con. Tối chủ nhật, thầy lại tất tả quay lại trường. Vậy nhưng thầy luôn cười “Thầy ổn!”.
Một buổi chiều, cô đến thăm thầy, dẫn theo cả em bé con. Thầy chạy lại ôm lấy thằng con trai bé bỏng hôn rối rít lên trán, lên má, lên cổ nó, làm thằng bé cười sặc sụa. Ánh mắt thầy ngập tràn hạnh phúc…Sáng thứ Hai, cả lớp ngạc nhiên: hai ngày cuối tuần được gặp vợ con, sao thầy buồn thế!? Không ai dám hỏi. Buổi chiều, lịch tập tiết mục kịch do thầy viết kịch bản, chẳng ai bảo ai, đến phòng thầy thật sớm. Thầy đang ngồi, tựa lưng vào ghế, mắt buồn vô định, bỏ quên điếu thuốc đang cháy dở…
Thầy bất ngờ xin nghỉ một tuần. Trước khi nghỉ, thầy còn dặn dò lớp “giữ gìn nề nếp cho tốt và duy trì phong độ học tập, đừng để tụt hạng, thầy phạt nặng đó”. Thầy buồn hơn khi trở lại trường, đôi mắt trũng sâu hơn vì nhiều đêm thức trắng, đôi môi thâm tái hơn vì khói thuốc. Nhưng lớp chẳng biết được gì ngoài câu nói “Thầy ổn” khi đưa những cặp mắt lo lắng dò tìm câu trả lời nơi thầy.
Khi học sinh bọn chị đang loay hoay với một mớ những phán đoán thì chính thầy lại là người thổ lộ cho bọn học trò nỗi lòng mình.
- Thầy và cô đã chia tay. Cô lên thăm thầy là để nói chuyện đó. Thầy cũng đã về nhà để giải quyết...
Ánh mắt hoảng hốt, ngạc nhiên của lũ học trò làm thầy rưng rưng:
- Cô cần một bờ vai bên cạnh để dựa vào mỗi lúc cảm thấy mệt mỏi. Cô cần người an ủi, động viên mỗi khi cảm thấy căng thẳng, buồn phiền. Cô muốn có người cùng thức trắng đêm khi đứa con thơ sốt quấy. Và cô cần một mái ấm trọn vẹn. Còn thầy thì…
Ngày ấy, bọn học sinh lớp 11 như chị đã biết rung cảm với những thương yêu nhưng chưa đủ lớn để hiểu hết những điều thầy nói. Chị thầm trách người vợ thầy sao phũ phàng đến vậy, sao lại nỡ quay lưng, xé tan một gia đình khi thầy vẫn rất yêu cô? Chị xót xa cho thầy, thương thầy vô hạn…
****
Dường như sau biến cố gia đình, “trở thành người tự do” như thầy nói, thầy dành nhiều thời gian quan tâm đến lớp hơn. Lớp chị, mang tiếng là lớp văn nhưng 12 cậu con trai trong lớp ngày ấy nghịch chẳng kém đám con trai nào trong trường. Đủ trò khiến thầy phải đau đầu xử lý, vừa giận vừa thương. Đối với lớp chị, các môn tự nhiên đúng là cơn ác mộng dài. Những con số, những công thức luôn làm các cô cậu hoảng - hãi - hờn. Bởi vậy mới có chuyện vô cớ quậy phá, trêu chọc các thầy cô dạy môn tự nhiên.
Trống đánh vào tiết cuối cùng, tiết Toán. Cả lớp đã ngồi yên vị, cô chuẩn bị bước vào lớp thì đứng lại trước cửa, khuôn mặt bỗng trở nên giận dữ hỏi ai đã viết những dòng chữ trên tờ giấy A4 với những câu thơ con cóc có ý bông đùa cô... Tất nhiên, chẳng ai đứng lên nhận khi cô đang nóng như lửa vậy chứ! Cả lớp im bặt. Cô bỏ ra khỏi lớp. Trò nghịch dại trở nên ầm ĩ khi giáo viên bộ môn báo cáo lên Ban giám hiệu...Cả lớp chuẩn bị tinh thần đón nhận cơn thịnh nộ từ thầy. Nhưng thầy lên lớp, không quát mắng, sự nhẹ nhàng của thầy làm chị cảm thấy như chính mình phạm lỗi.
- Em nào đã lỡ viết tờ giấy đó dán ngoài cửa trêu chọc cô dạy toán thì tự giác đứng lên nhận lỗi, xin lỗi cô. Thầy sẽ xin Ban giám hiệu và cô bỏ qua cho.
Năm phút, mười phút,… rồi nửa tiếng nặng nề trôi qua, chẳng có ai đứng lên.
- Lớp này đoàn kết nhỉ! Vậy thì các em cứ ngồi đây mà suy nghĩ đi, ở đây đến chiều và cả tháng lao động dọn vệ sinh toàn trường.
Thầy nói xong bỏ ra ngoài. Gần 12 giờ trưa rồi, cả trường đã về hết. Vậy mà thủ phạm vẫn còn nhâng nhâng không chịu sai, đứng lên động viên cả lớp: đoàn kết làm nên tất cả. Thầy quay lại lớp, xách theo bao bánh mì. Thầy vừa phát cho mỗi đứa một chiếc vừa mắng:
- Các em giỏi lắm, quyết chịu đói để chống lại tôi sao? Ăn lấy sức mà ngồi đến tối nhé! Khi nào tìm ra thủ phạm mới được về.
Thầy cũng bẻ nửa chiếc bánh mì, xách ghế xuống ngồi cạnh bàn đầu tiên, quay xuống lớp cùng ăn. Chờ cho cả lớp ăn xong, thầy đưa mỗi đứa một phần tư tờ giấy A4, nói mỗi người hãy viết những điều mình biết vào đó và đưa thầy. Đừng viết tên, hoàn toàn bí mật.
- Các em có tinh thần đoàn kết rất cao. Một tập thể có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh. Nhưng nên nhớ rằng đoàn kết không đồng nghĩa với bao che cho tội lỗi, dung túng sai lầm.
Chị quyết định cho thầy biết tác giả của những dòng chữ đó. Trong lòng cứ áy náy với cảm giác “phản bội” nhưng chị không thể để cả lớp phải ngồi lại đến chiều và…cũng vì thầy. Cuối tờ giấy, chị viết: “Thầy ơi, bạn chỉ nghịch ngợm tí thôi, thầy đừng đưa lên thầy hiệu trưởng nhé!”.
Lớp ra về. Chị chẳng biết chuyện được thầy giải quyết ra sao nhưng Tâm thì chưa một lần bị viết kiểm điểm và cậu ta bỗng nhiên “ngoan” một cách lạ kỳ và cũng học chăm hơn trước, cả môn Toán nữa.
***
Vậy mà vèo cái đã sắp hết ba năm cấp III. Buổi chia tay ngày càng đến gần. Lớp văn của thầy xin phép nhà trường chuẩn bị một “Trại chia tay”. Phông rạp dựng lên, mời các thầy cô đến dự. Chị được lớp giao nhiệm vụ đọc thơ tặng thầy cô trong phần giao lưu văn nghệ. Bài thơ tên gì chị không nhớ, chỉ biết thầy đã chép đưa chị, dặn chị học thuộc và đọc “thật diễn cảm nhé”. Buổi duyệt trước lớp, chị tự tin đứng lên đọc: “Có một lần thầy dạy toán làm thơ/Bài thơ ấy vẫn còn đang dang dở…Trong bài thơ thầy cộng gió với mây. Bằng công thức tình anpha của gió. Lá thu rơi bay vào trong lớp học. Thầy bảo rằng: lá có lực hướng tâm...”.
Những ngày cuối cùng trước khi chia tay, lớp thật vui. Bao giận hờn đều tan biến, chỉ còn sự thiết tha, xao xuyến trong tim... Bọn con gái lớp chị ai cũng khóc. Bọn con trai tỏ ra mạnh mẽ, vỗ vai cười lớn, nói con gái là “mít ướt” nhưng chị biết, có tên cũng lén khóc một mình…Thầy không khóc nhưng giọng thầy lạc đi:
- Thầy chúc các em trên đường đời sẽ thành công và luôn đứng vững trên đôi chân của mình. Thầy sẽ rất nhớ các em!
Thầy nói có thế mà bọn con gái càng rấm rứt khóc. Tâm thấy vậy, đứng lên khoát tay:
- Các bạn đừng khóc nữa. Có gì đâu! Khi nào chúng ta rảnh rỗi, còn nhớ nhau là gặp được nhau và chúng ta lại đến thăm thầy được mà. Thay mặt các bạn trong lớp, em cảm ơn thầy đã dìu dắt, tận tâm với chúng em suốt thời gian qua. Cám ơn thầy đã bao dung…
Hắn vừa nói vừa tiến đến cầm tay thầy, ôm lấy thầy thật chặt và hắn khóc!...Thầy vỗ vỗ vai hắn:
- Thôi, được rồi, đừng khóc nữa. Hôm nay, thầy muốn các em hãy vui lên. Hãy để thầy được nhìn những khuôn mặt cười rạng rỡ. Thầy không thích nước mắt đâu.
Chờ không còn tiếng thút thít, thầy tiếp, giọng buồn buồn:
- Có lẽ khi các em ra trường, thầy cũng sẽ không còn ở đây nữa. Không biết thầy trò chúng ta còn cơ hội gặp lại không?
Thấy không khí trong lớp chùng xuống, vài bạn gái bắt đầu sụt sịt, chị trốn xuống cuối lớp lau nước mắt đang lăn dài. Thầy cười lớn: “Không sao đâu, các em đừng lo, thầy sẽ ổn thôi”.
Thấm thoát đã 12 năm không có tin tức gì của thầy. Mười hai năm, bao lo toan, bận rộn, kỷ niệm về thầy chị vẫn lưu giữ trong tim đầy thương kính. Chị nhớ thầy! Nhiều khi cứ ước: Phải chi ngày ấy cũng có điện thoại di động như bây giờ thì thầy trò chắc sẽ biết tin nhau. Thầy sẽ rất tự hào vì cô học trò mít ướt, tinh nghịch ngày nào giờ cũng trở thành cô giáo đứng trên bục giảng, mang kiến thức mà thầy đã dạy để truyền lại cho bao lớp học trò hôm nay.
Mỗi khi nhớ thầy, chị lại luôn tự hỏi: Liệu giờ thầy có ổn không?
Y.T