Thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp: Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn
Vừa qua, tại TP Quy Nhơn, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (tiếng Anh: Low carbon agricultural support Project, viết tắt là LCASP) năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016. Theo đánh giá của Ban quản lý (BQL) LCASP Trung ương, LCASP đã giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.
Ngành chức năng của tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng công trình khí sinh học tại xã Ân Tường Đông (Hoài Ân). Ảnh: T.SỸ
Hiệu quả thiết thực
Theo BQL LCASP Trung ương thuộc Bộ NN&PTNT, trong năm 2015 trên cơ sở quy định của Dự án (DA) và hướng dẫn của BQL, 10 tỉnh tham gia DA đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, đảm bảo mục tiêu DA. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi, BQL LCASP các địa phương cũng đã hướng dẫn người dân đăng ký và hoàn thành các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ xây lắp công trình khí sinh học (CTKSH). Điều đáng mừng là LCASP đã thu hút sự quan tâm của người dân, nên việc triển khai, thực hiện khá thuận lợi, đạt hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Thế Hinh, Phó BQL các Dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), kiêm Giám đốc BQL LCASP Trung ương, cho biết: Năm 2015, DA đã hỗ trợ xây lắp 15.393 CTKSH quy mô nhỏ cho người dân. Thực tế cho thấy, thực hiện LCASP đã giúp các địa phương quản lý tốt chất thải, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, các CTKSH còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bình Định là một trong những địa phương có kết quả thực hiện DA được BQL LCASP Trung ương đánh giá cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cho biết: Sau khi điều tra thu thập cơ sở dữ liệu đánh giá nhu cầu xây dựng CTKSH của người dân tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia DA, BQL DA đã lựa chọn và tổ chức tập huấn về tiêu chuẩn kỹ thuật CTKSH cho thợ xây và thợ lắp đặt công trình; tập huấn về quản lý chất thải chăn nuôi an toàn; vận hành và sử dụng CTKSH cho nông dân đăng ký xây dựng tại các địa phương.
Từ năm 2014 đến nay, DA đã hỗ trợ xây lắp 4.458 CTKSH cho người dân, vượt 885 công trình so với kế hoạch Trung ương giao, trong đó năm 2015 toàn tỉnh đã xây lắp được 2.595 công trình. Hầu hết các CTKSH đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động thuộc DA đã và đang thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả DA.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA
Theo BQL LCASP Trung ương, hiện có khoảng 260 ngàn hộ chăn nuôi trên 10 con heo trở lên tại các tỉnh thành tham gia DA chưa có CTKSH đang có nhu cầu được hỗ trợ xây dựng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, năm 2016, DA sẽ giải ngân trên 175 tỉ đồng để hỗ trợ lắp đặt 13.600 CTKSH quy mô nhỏ, 38 công trình quy mô vừa và 16 công trình quy mô lớn cho người dân 10 tỉnh tham gia DA.
Trong đó, tỉnh ta được phân bổ 1.700 CTKSH quy mô nhỏ, 10 công trình quy mô vừa và 16 công trình quy mô lớn. BQL LCASP Trung ương yêu cầu các tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, vận động người dân đăng ký để được hưởng lợi từ DA.
Tại Hội nghị, BQL LCASP các tỉnh đều cho rằng, nhu cầu xây dựng CTKSH của người dân rất lớn. Tuy nhiên, định mức hỗ trợ từ DA (3 triệu đồng/công trình quy mô nhỏ; 10 triệu đồng/công trình quy mô vừa và 20 triệu đồng/công trình quy mô lớn) như hiện nay là quá thấp so với tổng kinh phí xây dựng CTKSH, nên chưa thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là những chủ trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn. Có nhiều chủ trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở nhiều địa phương đã tự đầu tư kinh phí xây dựng CTKSH. Tuy nhiên, do xây dựng không đúng quy chuẩn và sử dụng chưa đúng cách, nên hầm chứa bị quá tải, chất thải chăn nuôi trào ra ngoài hầm gây ô nhiễm môi trường.
“Để DA được triển khai thuận lợi và phát huy hiệu quả, DA cần nâng định mức hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư xây dựng CTKSH, góp phần giải quyết chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn”- ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Giám đốc BQL LCASP tỉnh - đề xuất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, cho biết: Tiến độ thực hiện LCASP năm 2015 đạt yêu cầu; số lượng và chất lượng các CTKSH tại 10 tỉnh tham gia DA đảm bảo. Bộ NN&PTNT yêu cầu BQL DA Trung ương phối hợp với BQL DA các tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp để các hoạt động đã thực hiện phát huy hiệu quả, đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch thực hiện DA trong năm 2016. Ý kiến tăng thêm số lượng CTKSH trong năm 2016 và nâng mức hỗ trợ xây dựng của các địa phương là xác đáng, Bộ sẽ xem xét phân bổ thêm cho các địa phương; giao cho BQL LCASP Trung ương đề xuất mức tăng cụ thể để Bộ và nhà tài trợ là Ngân hàng phát triển châu Á xem xét giải quyết.
DA LCASP do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018, tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Ðịnh, Hà Tĩnh, Bình Ðịnh, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng với 4 hợp phần: Quản lý chất thải chăn nuôi; tín dụng cho các chuỗi giá trị KSH; chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp; quản lý DA. Tổng vốn thực hiện DA là 84 triệu USD, trong đó vốn vay ADB 74 triệu USD.
Riêng tỉnh ta, tổng vốn thực hiện DA trên 1,915 triệu USD. Trong đó, vốn vay ADB 1,742 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 173.500 USD. Mục tiêu của DA là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; tạo nguồn năng lượng sạch; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
PHẠM TIẾN SỸ