Bờ Nam sông Lại Giang bị sạt lở: 400 hộ dân xã Hoài Ðức sống trong lo âu
Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sinh sống dọc bờ Nam sông Lại Giang - đoạn chảy qua địa phận xã Hoài Ðức, huyện Hoài Nhơn - sống trong tâm trạng lo âu vì bờ sông bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất canh tác, nhà cửa của bà con và tuyến đường ÐH 10 đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi.
Hoạt động khai thác cát tràn lan là nguyên nhân chính làm dòng chảy sông Lại Giang chuyển hướng, khiến tình trạng sạt lở bờ càng thêm nghiêm trọng.
Bờ Nam sông Lại Giang - đoạn chảy qua thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức - dài gần 2km. Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng; nhiều diện tích đất dọc mép sông bị nước cuốn trôi, ăn sâu vào bên trong. Tại một số đoạn, nước sông cách nhà dân chỉ khoảng 3m - 4m; nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ sông.
“Nhiều đêm, đang ngủ say mà vẫn phải bật dậy vì tiếng đất lở đổ ụp xuống sông ầm ầm. Những lúc như vậy không chỉ một nhà mà cả xóm mất ngủ, thấp thỏm đến sáng!”
Đáng ngại hơn, tuyến đường ĐH 10 - từ thị trấn Bồng Sơn đi các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải - nằm dọc triền sông, có nhiều đoạn bị nước khoét rỗng chân. Nhiều dải cây xanh, cây bụi trồng bên đường với chức năng hạn chế, ngăn chặn nạn sạt lở, xâm thực chỉ còn trơ gốc.
Đặc biệt, tình hình sạt lở bờ Nam sông Lại Giang gây ảnh hưởng trầm trọng đến quỹ đất sản xuất nông nghiệp dọc triền sông. Nhiều diện tích đất bị nước khoét sâu tạo thành những “hàm ếch” to, kéo thành những đoạn dài. Tại nhiều vị trí, sông xâm thực vào sâu bên trong tạo thành những bờ vực dựng đứng hết sức nguy hiểm. Ngay trên mặt đất, tại nhiều vị trí đã xuất hiện những vết rạn nứt chằng chịt, đây là dấu hiệu cho biết những vùng đất này chuẩn bị sụp xuống.
Để khắc phục, một số hộ dân dùng đá dựng tạm bờ kè chống xói lở, trồng tre để hạn chế thủy phá, nhưng tất cả chỉ đứng được một thời gian ngắn. Nước sông lại cuốn trôi và khi kè đổ, tốc độ cuốn trôi diễn ra có vẻ còn nhanh hơn.
“Sông Lại Giang lở bờ khiến mấy trăm hộ dân ở xã Hoài Ðức lo lắng là điều chúng tôi vẫn canh cánh với bà con. Cứ qua mỗi mùa mưa lũ, cuộc sống của bà con lại thêm khó khăn. Huyện đã cố gắng gia cố bờ sông bằng cách đóng cọc tre, nhưng phần thì do nguồn kinh phí có hạn nên cũng chỉ dừng lại ở mức tạm bợ, phần thì phải nói thật - để khắc phục thì phải đến cấp tỉnh, trung ương mới đủ tài lực chứ cấp huyện thì không kham nổi!”
Ông CAO THANH THƯƠNG, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn
Anh Nguyễn Minh Hoàng, ở thôn Định Bình Nam, lo lắng: “Mỗi khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, bờ sông trước cửa nhà tôi lại bị xói lở; từng mảng đất cứ thế chúi nhủi xuống sông. Nhiều đêm, đang ngủ say mà vẫn phải bật dậy vì tiếng đất lở đổ ụp xuống sông ầm ầm. Những lúc như vậy không chỉ một nhà mà cả xóm mất ngủ, thấp thỏm đến sáng!”.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ Nam sông Lại Giang là do tác động của lũ lụt hàng năm. Nạn khai thác cát bừa bãi khiến hiện tượng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng này đe dọa trực tiếp đến mức độ an toàn của tuyến đường ĐH 10. Và đặc biệt đã đặt khoảng 400 hộ dân sống dọc bờ sông vào tình trạng nguy hiểm. Huyện nhiều lần kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng có biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho dân, nhưng đến nay chưa có kết quả hồi đáp.
Huyện Hoài Nhơn đã nhiều lần kiến nghị nhưng việc vẫn chưa đến đâu. Để đảm bảo an toàn, khi mùa mưa bão đến, UBND huyện lập tức vận động người dân có nhà ở gần bờ sông sơ tán tránh xa khu vực sạt lở, tạm trú ở những khu vực kiên cố, an toàn như nhà văn hóa xã, trường học.
Như vậy, trong khi chờ đợi nguồn kinh phí từ cấp trên, hàng trăm hộ gia đình có nhà ven bờ Nam sông Lại Giang tiếp tục phải sống chung với nguy hiểm do tình trạng sạt lở bờ sông.
C.LUẬN - H.NHI