Doanh nhân nữ sở hữu và điều hành 35% doanh nghiệp toàn cầu
Đến hết năm 2014 ước tính có khoảng 98 triệu phụ nữ tham gia quản lý các doanh nghiệp đang hoạt động tại 67 nền kinh tế trên toàn cầu.
“Không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm thế nào để thúc đẩy quá trình bình đẳng giới, vì sự phát triển lâu dài, chính những người phụ nữ phải nuôi dưỡng cho mình khát vọng vươn lên làm chủ bản thân mình và xã hội” – đây là chủ đề chính được các diễn giả, nhà lãnh đạo nữ, doanh nhân nữ thảo luận tại diễn đàn "Lãnh đạo nữ vì sự phát triển bền vững” do Hội nữ doanh nhân TP HCM (Hawee) tổ chức tại TP HCM.
Các doanh nhân nữ tại diễn đàn "Lãnh đạo nữ vì sự phát triển bền vững” do Hội nữ doanh nhân TP HCM (Hawee) tổ chức.
Diễn đàn tập trung thảo luận sâu vào các chủ đề phụ nữ thay đổi thế giới, phụ nữ với công nghệ và sáng tạo, bồi dưỡng tài năng lãnh đạo nữ, các giá trị xã hội với phụ nữ và doanh nghiệp... từ đó, giúp các nữ doanh nhân cập nhật thêm thông tin và xu hướng phát triển của giới nữ doanh nhân trong và ngoài nước.
Tại diễn đàn, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình Việt Nam cho biết, trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Không chỉ là những người phụ nữ nội trợ của gia đình mà rất nhiều phụ nữ đã nỗ lực vươn lên nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy của chính quyền cũng như làm chủ doanh nghiệp .
Đặc biệt, tỷ lệ nữ doanh nhân ngày càng tăng qua các năm. Có rất nhiều doanh nghiệp do phụ nữ điều hành, lãnh đạo đã trở wthành những doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế như Vinamilk, Saigon Coop, Dược Hậu Giang, REE...
Phân tích về lợi ích của phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đối với nền kinh tế - xã hội, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết, theo Ngân hàng Thế giới (WB) số doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và điều hành chiếm khoảng từ 25%-35% tổng doanh nghiệp tư nhân trên toàn thế giới.
Tính đến hết năm 2014, ước tính có khoảng 126 triệu phụ nữ khởi nghiệp hoặc điều hành doanh nghiệp và 98 triệu phụ nữ tham gia quản lý các doanh nghiệp đang hoạt động tại 67 nền kinh tế trên toàn cầu.
Như vậy, nếu lực lượng phụ nữ và số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gia tăng mức ngang bằng với nam giới thì có thể cải thiện thu nhập trung bình thêm 20% tại Trung Đông và Bắc Phi, 19% tại Nam Á và 12% tại châu Mỹ La tinh. Đặc biệt nếu phụ nữ nông dân ở các nước đang phát triển có cùng cơ hội tiêp cận với các nguồn lực như nam giới, họ có thể tăng năng suất nông nghiệp lên 20%-30% từ đó giúp giảm tỷ lệ thiếu đói từ 12%-17%.
Nhận xét về sự phát triển của phụ nữ trong những năm qua ở Việt Nam, bà Shoko Ishikawa cho rằng, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, vượt cả Nhật Bản, một nước phát triển về số lượng phụ nữ làm lãnh đạo và chủ doanh nghiệp (Việt Nam có 25,4% phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, còn Nhật Bản mới chỉ có 10%).
Theo bà Shoko Ishikawa thành công này chính là nhờ việc Chính phủ Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý về Luật Bình đẳng giới, Luật bầu cử Quốc hội, Bộ Luật Lao động, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2011-2020 một cách cụ thể, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ.
Đánh giá về điều kiện phát triển của nữ doanh nhân ở Việt Nam, các diễn giả cho rằng mặc dù Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi trợ giúp doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nhưng thực tế cho thấy, việc tiếp cận các chính sách này vẫn còn nhiều thách thức; trong đó các quy định, thủ tục chưa được khơi thông và nhiều ưu đãi trợ giúp chưa đến được với đối tượng nữ doanh nhân.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, thời gian qua tỷ lệ nữ có tăng ở các vị trí lãnh đạo tại quốc hội, Chính phủ, cơ quan của Đảng nhưng chưa tăng như mục tiêu đề ra của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, ở các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo thường tham gia vào các hoạt động kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ lẻ nên các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang còn gặp nhiều khó khăn trong khả năng tiếp cận vốn, công nghệ; hạn chế trong quay vòng vốn nên tỷ suất lợi nhuận chưa cao.
Vì vậy, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, cần phải có những chính sách vĩ mô để không chỉ thực hiện bình đẳng giới mà còn đẩy mạnh quá trìnhvì sự phát triển của phụ nữ như tăng thời gian làm việc của phụ nữ (có thể từ 55 tuổi lên 57 hay 60 tuổi); tăng thời gian nghỉ thai sản…
Bên cạnh đó, các chính sách từ vĩ mô đến vi mô phải xây dựng trên cơ sở làm thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về những cơ hội để cho người phụ nữ có thể vươn lên khẳng định vị thế của mình và trở thành những người phụ nữ làm chủ mình, chủ DN hay lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền của Nhà nước.
Theo Trung Anh (VOV)