Ông Đinh La Thăng: “Doanh nhân phải nói thẳng, không sợ trù dập”
Được Bí thư "bật đèn xanh", nhiều doanh nghiệp TP HCM đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trong buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố sáng 8.3.
Phát biểu đầu cuộc họp sáng nay, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh doanh nghiệp là lực lượng tiên phong nên luôn được thành phố ưu tiên, tạo mọi điều kiện để phát triển. Theo ông Thăng, doanh nhân phải nói thẳng, nói thật và không nên sợ bị trù dập.
Ông Đinh La Thăng khẳng định TP HCM sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: L.C
"Tôi xin cam kết là lãnh đạo luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nhân và doanh nghiệp phát triển. Và thật sự lãnh đạo thành phố rất mong nhận được những ý kiến hiến kế của doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.
Ông Thăng cho rằng, các doanh nghiệp muốn cạnh tranh thì yếu tố chất lượng hàng hoá là cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải có năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác thì mới làm bệ đỡ cho doanh nghiệp phát triển. “Và hôm nay, chúng ta phải thảo luận cho ra vấn đề là Nhà nước và doanh nghiệp phải làm cách nào để nâng cao năng lực cạnh tranh ấy”, ông nói.
Được Bí thư “mở lời”, hàng loạt doanh nghiệp đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm. Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP HCM đề nghị, trước bối cảnh hội nhập sâu thì vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng, bên cạnh cơ chế - chính sách và vốn. "Ba điều kiện này là phải đáp ứng yêu cầu hội nhâp thì chúng ta mới có thể chiến đấu", ông nói.
Với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội dệt may thành phố cũng bày tỏ, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 khá lớn (7,1 tỷ USD), tăng so với 2014. Tuy nhiên, số này thu về rất khiêm tốn vì 70-80% nguyên phụ liệu đến từ nước ngoài, còn Việt Nam chỉ hưởng được phần nhân công rất nhỏ.
Việc ký kết FTA Việt Nam - Hàn Quốc hay TPP khiến cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi, song cũng trăn trở vì không dễ để hưởng những lợi thế này, nếu thiếu những cải cách mạnh mẽ. “Ngành dệt may Việt Nam mà cứ tiếp tục gia công mãi thì rất khó phát triển và không hiệu quả”, ông Hồng nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Công ty ôtô Trường Hải - Trần Bá Dương thì cho rằng, với vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, TP HCM có nhiều việc phải giải quyết. Trước hết là thực hiện cải cách hành chính và đổi mới thể chế. Bởi hiếm có địa phương nào mà có thể tập hợp tất cả các ngành nghề và loại hình doanh nghiệp, lại là trung tâm kinh tế như thành phố. Do vậy, địa phương cần phải làm quyết liệt để đổi mới.
“Chúng ta phải là nơi làm gương giải quyết tất cả những bức xúc và khó khăn còn tồn tại. Bởi trong môi trường toàn cầu hoá, nếu chúng ta không có những đột phá thì sẽ dễ bị thụt lùi”, ông nói. Theo đó, ông cho rằng mỗi lĩnh vực phải có sự tâm huyết và hiến kế thật sự cho thành phố. Ngược lại, lãnh đạo cần có những cơ chế đánh giá và giám sát các quận huyện, đặc biệt là có những nhân sự có tinh thần đóng góp cho đất nước. Về thủ tục hành chính, bất cập không chỉ đến từ chính quyền thành phố mà còn xuất phát từ hệ thống.
Vấn đề thứ ba được vị này nêu là với cộng đồng doanh nghiệp, bản thân phải có ý chí, nghị lực. "Nhưng cái quan trọng nhất là thể hiện cái tâm, cái tầm, văn hoá và đạo đức. Và phải có sự đấu tranh loại bỏ những cái xấu ngay trong chính nội bộ các doanh nghiệp để lành mạnh hoá cộng đồng doanh nghiệp", ông Dương nói.
Đại diện cho ngành lương thực, thực phẩm TP HCM, Chủ tịch Hiệp hội - Lý Thị Kim Chi, cũng nêu thực trạng phân biệt đối xử của các siêu thị đối với những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ. "Vừa rồi, các đơn vị sản xuất nhỏ vô cùng vất vả trong việc đưa hàng hoá của mình lên các siêu thị của TP HCM dù hội đủ các điều kiện. Chúng tôi phải nhờ Sở Công Thương can thiệp mới phần nào giải quyết được", bà phản ánh.
Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều bức xúc khác như chính sách thuế, phí không hợp lý, gây gánh nặng cho doanh nghiệp cũng được đề cập. Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, trong một thời gian rất dài, máy móc thiết bị của ngành cơ khí nhập khẩu được hưởng thuế 0%, trong khi sản phẩm trong nước lại phải đóng thuế. "Ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn chỉ vì chính sách thuế nói trên, khiến chúng tôi không có cơ hội phát triển", ông bày tỏ.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết sẽ giao nhiệm vụ cho các ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, bởi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của thành phố. Ông Phong khẳng định lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe từng nhóm chuyên ngành để sâu sát với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Phong, điểm yếu của doanh nghiệp hiện nay là thiếu tính liên kết.
Kết luận buổi hội nghị, Bí thư Thăng đánh giá cao các phát biểu của doanh nghiệp, đồng thời cho rằng hằng năm không thể chỉ chờ vào một buổi tiếp xúc như thế này mà cần giải quyết những vướng mắc, bất cập kịp thời. Cùng với việc triển khai quyết liệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ông Thăng cho biết thành phố triển khai 7 chương trình đột phá, làm sao để TP HCM trở thành nơi đáng sống nhất.
Vị lãnh đạo này khẳng định, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nên thành phố phải phục vụ vô điều kiện. Các ban ngành không có lý do gì nhũng nhiễu, gây khó khăn. Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng, hiện nay hạn chế của doanh nghiệp là tính liên kết quá yếu, nên thời gian tới, phải cải thiện vấn đề này, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, ông Thăng cũng cho biết, thành phố cam kết sẽ không phân biệt các thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài..., đồng thời tạo ra một phong trào khởi nghiệp hết sức khí thế để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Vị Bí thư thành phố cho rằng, vấn đề cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Theo đó, bộ máy cần đẩy mạnh nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức. "Chúng tôi kiên quyết loại bỏ những người gây khó khăn, phiền nhiễu doanh nghiệp, những người năng lực kém, làm chậm tiến trình hoạt động của doanh nghiệp", ông Thăng khảng định.
Thông điệp cầu thị, thẳng thắn được người đứng đầu TP HCM phát đi với hy vọng thu được ý kiến xác thực, tâm huyết nhất từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Trước đó ít ngày, trong buổi làm việc tương tự giữa doanh nghiệp và đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bày tỏ ông có cảm giác doanh nghiệp đang "sợ cấp trên dữ quá" và đề nghị giới doanh nhân phải quyết liệt đấu tranh nếu gặp vướng mắc.
Theo ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM, hai tháng đầu năm 2016, thành phố đã có những tăng trưởng đáng khích lệ so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt xấp xỉ 121.000 tỷ đồng, tăng 11,8% (cùng kỳ tăng 11,7%), chiếm 20,6% cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ, chiếm 18,6% cả nước. Nguồn vốn đầu tư huy động cho phát triển tăng khá. Vốn đầu tư xây cho cơ sở hạ tầng thuộc ngân sách thưc hiện 812 tỷ đồng, tăng 1,2%. Thành phố đã thu hút được 28.432 tỷ đồng đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Có 3.606 doanh nghiệp mới thành lập mới với vốn đăng ký 27.142 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung đạt 58.093 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Theo Lệ Chi (VnExpress)