Xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sinh hoạt ở nông thôn: Nhiều khó khăn, lắm thách thức
Chủ trương xã hội hóa lĩnh vực cấp nước của Chính phủ đã và đang được tỉnh ta triển khai, song kết quả vẫn chưa như mong đợi. Hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp (DN) đăng ký quản lý 3 công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) tại huyện Phù Cát và Hoài Nhơn.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra một công trình cấp nước tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: T.Sỹ
Nhiều CTCNTT không phát huy hiệu quả
Theo Sở NN&PTNT, hiện có nhiều mô hình quản lý CTCNTT đang được áp dụng, bao gồm: Mô hình quản lý do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh và Ban quản lý cấp nước huyện; DN, UBND xã, HTX và cộng đồng dân cư thực hiện. Trong đó, mô hình quản lý CTCNTT do UBND xã, HTX và cộng đồng dân cư thực hiện với số lượng nhiều nhất (118 công trình/129 công trình hiện có ở khu vực nông thôn trong tỉnh). Tuy nhiên công tác quản lý, vận hành công trình do UBND xã, HTX và cộng đồng dân cư đảm nhiệm là yếu nhất.
Hiện nay, tỉ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở tỉnh ta đạt trên 93%, trong đó có 85,2% hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02 (QCVN:02) của Bộ Y tế. Tỉnh ta phấn đấu đến cuối năm 2016, tỉ lệ dân cư nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 95%, trong đó có 61% dân cư sử dụng nước sạch.
Thực tế cho thấy, phần lớn các CTCNTT đều do UBND huyện làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành, nghiệm thu đã bàn giao cho UBND xã, HTX hoặc tổ cộng đồng dân cư ở địa phương quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ. Các thành viên trong các nhóm hoặc tổ quản lý công trình thường làm kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, không có chuyên môn về lĩnh vực nước sạch, công tác vệ sinh hệ thống xử lý nước ít được thực hiện; vật liệu lọc, hóa chất xử lý nước không được thay thế, bổ sung kịp thời; chất lượng nước cấp không được kiểm soát.
Mặt khác, cơ chế tài chính tổ quản lý không rõ ràng, có công trình nguồn thu lớn, nhưng không có kinh phí phục vụ duy tu bảo dưỡng, khi công trình bị hỏng thì không chủ động được nguồn kinh phí để khắc phục. Trong số 118 công trình do UBND xã, HTX, cộng đồng quản lý, hiện có 11 công trình đã bị hư hỏng không thể vận hành được; trong đó có 6 công trình còn định giá được giá trị với trị giá khoảng 3 tỉ đồng. Công tác quản lý CTCNTT yếu kém không những gây lãng phí tiền của của Nhà nước mà còn gây bức xúc trong nhân dân.
Khó khăn, thách thức
Đến năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT không còn là chương trình độc lập, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa CTCNTT từ chương trình này cũng đã hết, trong khi nhiều hạng mục của chiến lược quốc gia NS&VSMT nông thôn vẫn chưa đảm bảo. Do vậy, chủ trương của Chính phủ từ nay đến năm 2020 là đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý và kinh doanh các công trình, dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Đến năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT không còn là chương trình độc lập, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa CTCNTT từ chương trình này cũng đã hết, trong khi nhiều hạng mục của chiến lược quốc gia NS&VSMT nông thôn vẫn chưa đảm bảo.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, giải pháp của tỉnh là đẩy mạnh công tác vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc tiếp nhận các CTCNTT đã xây dựng để nâng cấp, sửa chữa và quản lý, vận hành công trình. Tuy vậy, việc xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sạch còn gặp nhiều khó khăn. Hiện mới chỉ có Công ty cổ phần Cấp nước miền Trung xin đăng ký quản lý 2 CTCNTT đã xây dựng tại xã Cát Khánh, Cát Hanh (Phù Cát) và 1 công trình tại xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn). Điều đáng nói là các tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đến việc đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực cấp nước sạch ở khu vực nông thôn. Bởi kinh phí đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa CTCNTT là khá lớn, trong khi nhận thức về sử dụng nước sạch của một bộ phận dân cư ở khu vực nông thôn còn hạn chế; việc thu tiền sử dụng nước của người dân cũng không phải là chuyện giản đơn.
Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu: Xã hội hóa lĩnh vực cấp nước nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp và quản lý vận hành các CTCNTT, đảm bảo nhu cầu về nước sạch cho người dân là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh đánh giá và định giá tất cả các CTCNTT đã xây dựng; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mới hoặc tiếp nhận để nâng cấp, quản lý CTCNTT đã xây dựng trên địa bàn tỉnh.
11 công trình bị hư hỏng không vận hành được, gồm:
CTCN thôn 6, làng Đồng Mít và CTCN thôn 6, làng Đồng Nông, ở xã An Trung (An Lão); CTCN thôn Tuân Xuân, xã Ân Hảo Tây (Hoài Ân); CTCN khu tái định cư Hoài Hải và CTCN Hoài Mỹ, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn); CTCN thôn 7 và CTCN thôn 9, xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ); CTCN làng Bà Lía, xã Canh Liên (Vân Canh); CTCN làng K2, K3 xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh); CTCN xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) và hạng mục đầu mối CTCN Đông Bắc huyện Tuy Phước.
PHẠM TIẾN SỸ