Đê sông Gò Bồi được nâng cấp kiên cố: Dân hết lo “thủy thần” đe dọa
Hàng chục năm nay, khoảng 1.000 hộ dân ở 2 thôn Kim Đông và Kim Tây, xã Phước Hòa (Tuy Phước) phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ trước thực trạng bờ nam sông Gò Bồi bị sạt lở, xâm thực. Nay nỗi lo ấy vơi đi khi công trình đê sông Gò Bồi kiên cố, vững chãi đã vươn mình che chắn xóm làng.
Bờ nam sông Gò Bồi, đoạn chảy qua thôn Kim Đông và Kim Tây có chiều dài gần 5km. Từ năm 2015 trở về trước, tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông diễn ra nghiêm trọng; nhiều diện tích đất vườn, nhà cửa dọc sông bị cuốn trôi, ăn sâu vào bên trong. Tại một số đoạn, nước sông cách nhà dân chỉ khoảng 2m; nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ sông. Vì thế, cứ qua mỗi mùa lũ, cuộc sống của bà con lại thêm khó khăn.
Đê sông Gò Bồi được xây dựng kiên cố, vững chãi, góp phần bảo vệ nhà cửa, diện tích đất ở cho bà con nhân dân.
Dặm dài âu lo
Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, đợt lũ lịch sử xảy ra năm 1999, nhiều ngôi nhà, hàng tre nằm dọc bờ nam sông Gò Bồi bị nước lũ cuốn trôi. Kể từ thời điểm đó đến nay, mỗi năm bờ sông lại bị sạt lở dần khiến việc nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa của bà con lâm vào cảnh khốn đốn. Hàng năm, hồ tôm, ruộng lúa bị xâm nhập mặn khi vào mùa khô; ngập úng, thất thoát vào mùa mưa lũ.
Gần đây nhất là vào mùa mưa năm 2014, tuy nước không lớn và không chảy xiết, nhưng một số điểm thuộc tuyến đê đất bị nhão, cộng với việc rỗng chân đê nên gây hiện tượng sạt lở cục bộ; nhân dân và chính quyền địa phương phải thường xuyên túc trực, khắc phục bằng cách dùng cọc tre đóng giằng móng phần chân đê. “Những lúc nước lũ dâng cao, bất kể ngày đêm, lúc nào cũng có người túc trực, cảnh báo. Có những đêm đất lở rơi xuống sông ầm ầm vang động cả một vùng sông nước. Cả xóm, từ người già đến trẻ con, không ai dám ngủ, phải sẵn sàng chuyển đến nơi an toàn nếu trường hợp xấu nhất xảy ra” - ông Nguyễn Thanh Đông, người dân thôn Kim Đông, kể lại.
Công trình làm nức lòng dân
Nỗi lo ấy nay đã vơi đi khi công trình đê sông Gò Bồi được đầu tư xây dựng và hôm chúng tôi trở lại đây, dải đê chắn nước vững chắc vươn mình che chắn xóm làng.
“Nói thật là có con đê vững vàng, mình gặp bà con, trò chuyện cũng bớt đi nhiều cái lo, lại có nhiều cái để vui hơn. Làm cái anh cán bộ, ai cũng muốn mang đến với dân toàn những niềm vui!”
Ông TRẦN KỲ QUANG, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước
Ông Võ Ngọc Hùng, thôn Kim Tây, vui mừng nói: “Tôi hay ví von với mọi người, Nhà nước xây dựng tuyến đê sông Gò Bồi là mang vàng tặng cho dân. Khỏi nơm nớp lo sợ bờ sông bị sạt lở, xâm thực bà con có thể yên tâm làm ăn, sinh sống. Chỉ nghĩ tới cái đoạn mùa lũ mà được yên tâm ngủ thẳng giấc là đã sung sướng rồi”.
Còn bà Nguyễn Thị Năm, một hộ dân ở thôn Kim Đông, cũng không giấu được niềm vui: “Tôi nghĩ, có tuyến đê vững chắc, việc ngăn mặn sẽ được đảm bảo; mùa hè, hàng trăm héc ta lúa ở các khu vực ven sông Gò Bồi sẽ hết bị nhiễm mặn”.
Trao đổi với PV Báo Bình Định, ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, phấn khởi: “Việc đê sông Gò Bồi được đúc bê tông vững chắc đã thỏa lòng mong mỏi lâu nay của người dân nơi đây; nhờ vậy, bà con sẽ khai thác hết diện tích mặt nước tại địa phương để nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập, không lo sa bồi thủy phá, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn. Nói thật là có con đê vững vàng, mình gặp bà con, trò chuyện cũng bớt đi nhiều cái lo, lại có nhiều cái để vui hơn. Làm cái anh cán bộ, ai cũng muốn mang đến với dân toàn những niềm vui!”.
Liên quan về vấn đề này, ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT), cho biết: Đê sông Gò Bồi là công trình thủy lợi rất quan trọng của tỉnh, có vốn đầu tư lớn. Công trình ngoài ý nghĩa phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, còn có chức năng quan trọng trong việc phòng, chống triều cường và tiêu thoát lũ, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại; trong đó, có xã Phước Hòa.
Công trình đê sông Gò Bồi thuộc Dự án nâng cấp hệ thống đê và trồng cây ngập mặn để ứng phó với biển đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại, dài 4,5 km, vốn đầu tư gần 38 tỉ đồng.
TRỌNG LỢI