TP. HCM: Yêu cầu công khai thu chi để người dân đối chiếu
* Doanh nghiệp được phục vụ vô điều kiện
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh những thông tin, tài liệu, số liệu, đặc biệt liên quan đến việc thu chi của thành phố, nếu không nằm trong phạm vi mật thì phải được công khai để các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, báo chí, người dân giám sát, đối chiếu; nếu chỗ nào phát hiện chưa hợp lý, chưa phù hợp thì phải có kiểm tra, làm rõ ngay.
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Chủ trì hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2016 do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 8.3, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng, lập đường dây nóng tố giác hành vi tham nhũng. Đồng thời, khi xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng mà gặp các vấn đề vướng mắc, các cơ quan, đơn vị cần có kiến nghị kịp thời để Thành ủy xem xét.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định trong năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, giúp công tác này mang lại nhiều hiệu quả tích cực, cụ thể, tạo niềm tin cho nhân dân, cho doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho thành phố.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, đồng thời chỉ đạo các tổ chức Đảng cần nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, người đứng đầu trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Thủ trưởng các đơn vị cần xác định kết quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là tiêu chí, thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ; kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ có nhiều dư luận, uy tín giảm sút, có dấu hiệu tham nhũng, không hoàn thành nhiệm vụ để kịp thời phòng ngừa.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng lưu ý về trách nhiệm phát hiện, xử lý tham nhũng của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, cần phải được xác định rõ ràng, tránh xảy ra những vấn đề như tại một số tổ chức Đảng, người đứng đầu phát hiện ra hành vi sai phạm tại đơn vị mình lại bị tổ chức kiến nghị là gây mất đoàn kết nội bộ.
Các cơ quan chuyên môn như công an, viện kiểm sát, thanh tra thành phố cần có kế hoạch cụ thể để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, giám sát, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm; trong đó đặc biệt chú ý những phản ánh của người dân, doanh nghiệp về những ngành dễ xảy ra hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Tòa án Nhân dân hai cấp của Thành phố phải tập trung xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tham nhũng, đáp ứng đòi hỏi của dư luận xã hội.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đang điều tra nhiều vụ án có dấu hiệu tham nhũng, có thể sẽ khởi tố trong thời gian tới. Những án tham nhũng đang có dấu hiệu tập trung tại một số lĩnh vực, cụ thể như ngân hàng, hải quan, tài chính và cho thuê tài chính, quản lý đất đai.
Còn theo ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố cho biết nhiều vụ án tham nhũng có quy mô cực lớn đang được các cơ quan tố tụng Trung ương hoàn tất điều tra, ra cáo trạng truy tố, sẽ được ủy quyền cho Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố thực hành quyền tố tụng, đưa ra Tòa án Nhân dân thành phố xét xử.
Trong năm 2015, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra tại 7 cơ sở Đảng, phúc tra tại 2 cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy.
Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra đã phát hiện và có hình thức xử lý kịp thời đối với nhiều vụ việc. Điển hình như vụ bà Lại Thị Kim Khánh, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư bị xử lý vì có hành vi vòi tiền doanh nghiệp; vụ các nhân viên của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Tân có hành vi vòi tiền trong việc cấp giấy phép.
Ngoài ra, trong lực lượng công an, Công an thành phố cũng phát hiện và xử lý 98 cán bộ chiến sỹ, 22 chỉ huy có trách nhiệm liên đới; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố đã giáng cấp 1 cán bộ chiến sỹ vì hành vi vòi tiền trong việc lập phương án phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp.
Theo NGUYỄN CHUNG (TTXVN/Vietnam+)
Doanh nghiệp được phục vụ vô điều kiện
Tại buổi “Lắng nghe và đổi mới” với hơn 170 doanh nghiệp (DN), hội ngành nghề trên địa bàn TPHCM vào sáng 8.3, sau khi lắng nghe ý kiến của các DN, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị thành phố phải liên tục tiếp nhận và xử lý mọi vướng mắc cho DN, không đợi đến một năm mới tiếp xúc, lắng nghe. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ gặp gỡ các hội chuyên ngành để nghe và tháo gỡ theo yêu cầu của từng DN. UBND TP cam kết sẽ chăm lo cho DN, giúp DN nâng tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Thành phố xem thành công của DN là thành công của thành phố, vì thế mà ra sức phục vụ.
Tổng kết buổi “Lắng nghe và đổi mới”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo một số nội dung chính sau: Thứ nhất, các sở ngành phải đổi mới ý thức, phải coi trọng DN, vì DN là đối tượng chính đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Vì vậy, nên coi DN là đối tượng được phục vụ vô điều kiện của cán bộ, công chức nhà nước.
Thứ hai, năm 2017 phải hoàn thành tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả DN.
Thứ ba, về phía DN thì phải bắt tay, hợp lực, tạo ra sức mạnh cạnh tranh, nắm giữ thị trường bán lẻ trong nước. Từng DN phải tái cơ cấu lại, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động… nhằm tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, TPHCM trân trọng những DN làm ăn tốt như anh hùng. Cái gì thay đổi được là thay đổi ngay để tạo điều kiện tốt nhất cho DN. Thành phố sẵn sàng đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây khó khăn, nhũng nhiễu, thậm chí là làm chậm gây cản trở các hoạt động khác.
Theo SGGP