Để kiểm soát tốt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người lớn
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một dạng bệnh lý hô hấp mạn tính do sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Bệnh thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, càng lớn tuổi tỉ lệ mắc bệnh càng tăng.
COPD có liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi đối với các hạt bụi và khí độc hại. Để phát hiện bệnh sớm, trước hết cần lưu ý những người có nguy cơ mắc bệnh: nghiện thuốc lá, sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm khói, bụi, hóa chất… Những người này nếu có triệu chứng ho kéo dài, khạc đàm kéo dài, khó thở tăng dần thì nên khám ở cơ sở y tế có điều kiện đo chức năng hô hấp bằng máy phế dung ký.
COPD có thể nhầm lẫn với các bệnh phổi mạn tính khác như lao phổi, dãn phế quản, đặc biệt là hen phế quản. Để phân biệt, người bệnh cần được khai thác kỹ tiền sử, khám toàn diện, làm các cận lâm sàng như xét nghiệm đàm, chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp để chẩn đoán chính xác từng loại bệnh.
Nếu được điều trị đúng phương pháp, toàn diện, bệnh nhân tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, COPD có thể tạm ổn định, chức năng phổi được bảo tồn, người bệnh có thể sống và làm việc bình thường, tuy nhiên phải tránh gắng sức quá mức. Những bệnh nhân điều trị không đúng phác đồ, vẫn tiếp tục hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, không dự phòng đầy đủ thì sẽ thường xuyên tái phát đợt cấp, chức năng phổi giảm dần, xuất hiện biến chứng như suy hô hấp mạn, tâm phế mạn, suy mòn, giảm chất lượng cuộc sống.
Để kiểm soát tốt COPD khi đã được chẩn đoán, ngoài các biện pháp điều trị chung như cai thuốc lá, cải thiện môi trường sống, vệ sinh mũi họng, tiêm vắc-xin cúm và phế cầu, vận động trị liệu hô hấp… thì chương trình GOLD (Chương trình Hành động toàn cầu phòng chống COPD) khuyến cáo bệnh nhân phải được khám và đo chức năng hô hấp. Trên cơ sở đó, bệnh nhân được phân loại thành 4 nhóm: nhóm A - nguy cơ thấp, ít triệu chứng; nhóm B - nguy cơ thấp, nhiều triệu chứng; nhóm C - nguy cơ cao, ít triệu chứng; nhóm D - nguy cơ cao, nhiều triệu chứng. Dựa vào kết quả phân loại, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Nếu bạn nghiện thuốc lá, nhất thiết phải cai thuốc lá thì điều trị mới hiệu quả. Nên chích ngừa cúm 1 năm/1 lần và ngừa phế cầu 5 năm/1 lần. Tích cực tham gia phục hồi chức năng hô hấp - biện pháp điều trị không dùng thuốc rất hữu hiệu. Vận động vừa sức mình, không gắng sức. Nên mang theo thuốc trong người khi ra khỏi nhà và khi đi xa. Hạn chế đến những nơi quá đông người. Nên giữ số điện thoại của bác sĩ điều trị để tư vấn khi cần. Nên tái khám định kỳ hằng tháng dù bạn vẫn thấy khỏe. Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, dễ tiêu, tránh táo bón. Sắp xếp trong nhà gọn gàng, đồ đạc dễ lấy, nhà cửa phải thoáng khí.
BS BÀNH QUANG KHẢI