Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Nỗ lực sưu tầm hiện vật thời kháng chiến
Trong hệ thống hiện vật trưng bày của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh không thể thiếu những hiện vật kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì vậy, liên tục ngay từ những năm sau giải phóng hoàn toàn miền Nam cho đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh luôn nỗ lực triển khai các đề tài sưu tầm hiện vật, kỷ vật trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Những kỷ vật lịch sử
Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh luôn nhận thức về tầm quan trọng của những hiện vật kháng chiến trong công tác trưng bày, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương. Trong thời kỳ đầu sau giải phóng, công tác sưu tầm của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh diễn ra tương đối thuận lợi bởi cuộc kháng chiến vừa mới đi qua, những hiện vật và kỷ vật được lưu giữ rất nhiều trong quần chúng nhân dân và các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó bởi các lý do khác nhau, các hiện vật, kỷ vật kháng chiến cũng dần thất lạc, hư hỏng và vắng bóng. Công tác sưu tầm các hiện vật kháng chiến có giá trị ngày càng khó khăn hơn, nhất là những năm gần đây, có những lúc cán bộ Bảo tàng còn cảm thấy như “mò kim đáy bể”.
Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (bên trái) tiếp nhận kỷ vật chiếc bàn sử dụng vào việc nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kháng chiến được một gia đình ở huyện Hoài Nhơn trao tặng.
Tuy nhiên, bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu có thông tin về các hiện vật kháng chiến, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đều cử cán bộ cố gắng sưu tầm bằng các phương thức khác nhau. Trong đó, có những tập thể và cá nhân đã chủ động tìm đến với Bảo tàng để hiến tặng các kỷ vật kháng chiến mà họ đã lưu giữ hàng mấy chục năm. Họ chia sẻ đã tìm đến Bảo tàng như là một địa chỉ đáng tin cậy để gửi gắm những “báu vật tinh thần” của mình với mong muốn được gìn giữ và phát huy lâu dài. Những kỷ vật này đã bổ sung đáng kể vào bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng. Đó là những chiếc áo được các Bà mẹ Việt Nam anh hùng nâng niu, gìn giữ, bởi áo cũng là kỷ vật còn lại của con mình tặng trước khi hy sinh. Kỷ vật còn là những lá thư, huân huy chương, chiếc ba lô của con liệt sĩ được các bà mẹ trân trọng cất giữ bấy lâu. Những vật dụng gắn liền với cuộc đời người lính của một người cựu chiến binh từng kinh qua trận mạc, hay được sử dụng để nuôi giấu cán bộ một thời của các gia đình có công với cách mạng…
Tất cả các kỷ vật rất đỗi bình dị nhưng đều mang trong mình những ý nghĩa lịch sử, tinh thần bất khuất của người sử dụng chúng. Vì vậy, mỗi khi thuyết minh về gian trưng bày hiện vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng tôi như thả hồn mình theo cảm xúc, để những lời thuyết minh thêm thăng hoa, khiến cho khách tham quan, nhất là các em học sinh rất chăm chú lắng nghe và cảm phục, đó là lời chia sẻ chung của các thuyết minh viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Tiếp nối những tấm lòng trao tặng
Những năm gần đây, ngoài nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, điều đáng mừng là hầu như năm nào cũng có một vài tập thể hay cá nhân chủ động liên hệ với Bảo tàng để trao tặng các hiện vật và kỷ vật kháng chiến. Gần đây nhất là từ cuối năm 2015 cho đến nay, những cựu chiến binh của Ban liên lạc sư đoàn 324 tỉnh Bình Định đã liên hệ và trao tặng nhiều tư liệu, hiện vật rất có giá trị cho bảo tàng. Giá trị ở những bức ảnh tư liệu ảnh quý như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam về thăm và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 324 vào ngày 7.12.1955 tại chùa Hang (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Quân dân tỉnh Nghĩa Bình xây dựng nhà ở và chiến đấu cho bộ đội Hải quân ở đảo Đá Lớn -Trường Sa, từ 25.4 đến 28.10.1988...
Các hiện vật trao tặng còn có một số tài liệu, sách quý. Trong đó, có Thư mục toàn văn Chuyên đề “Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đăk-Pơ trên đường 19 (24.6.1954 - 24.6.2014)”; Trung đoàn 96 tiêu diệt, xóa sổ Binh đoàn 100 (GM-100) lực lượng tinh nhuệ nhất của quân xâm lược Pháp; Vinh dự tự hào con em Quy Nhơn - Bình Định làm nhiệm vụ Quốc tế của Đảng (1945 - 1954); Quân giới Bình Định: Những chặng đường lịch sử (8.1945 - 5.1955); Quân giới Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975); Những chặng đường lịch sử của ngành GTVT tỉnh Bình Định trong 60 năm (1945 - 2005)…
Những tư liệu, hiện vật được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lưu giữ, bảo quản phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu đến với người dân và du khách. Bảo tàng cũng đã tích cực tham mưu và đề xuất với Sở VH-TT&DL khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân và tập thể có công hiến tặng những kỷ vật có giá trị. Mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những cá nhân và tập thể, đặc biệt là các cựu chiến binh, các Ban liên lạc sư đoàn, trung đoàn, các hội, chi hội cựu chiến binh… tìm đến và hiến tặng thêm những kỷ vật kháng chiến cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Từ đó, có thể phát huy giá trị hiện vật, kỷ vật trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
NGUYÊN VIỆT