Chủ tịch nước dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam -Tanzania
Ngày 9.3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Tanzania...
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Tanzania, chiều ngày 9.3, tức đêm qua theo giờ Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Tanzania do Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp doanh nhân Tanzania tổ chức.
Tham dự Diễn đàn có Thủ tướng Tanzania Mizengo Peter Pinda, Bộ trưởng các Bộ, ban ngành có liên quan của hai nước và khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam -Tanzania.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Tanzania Mizengo Peter Pinda nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang thăm Tanzania và đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp giữa 2 nước nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư tại thị trường Tanzania nói riêng, thị trường châu Phi nói chung của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Diễn đàn doanh nghiệp Tanzania - Việt Nam.
Thủ tướng Tanzania cho biết, Tanzania đã và đang tiến hành nhiều biện pháp cải cách các thủ tục hành chính cũng như nới lỏng các chính sách nhằm thu hút đầu tư. Tanzania cũng được biết đến là có chế độ chính trị, xã hội ổn định; nền kinh tế phát triển năng động tại khu vực Đông Phi với tỷ lệ tăng trưởng 7% trong 10 năm qua. Tanzania đang phấn đấu trở thành các trạm trung chuyển để hàng hóa các nước đi vào khu vực Đông Phi và châu Phi. Với diện tích trên 900 nghìn km2, Tanzania có nguồn khoáng sản dồi dào như kim cương, đá quý, thiếc, phốt phát, quặng sắt, niken….
Cùng với đó, ngành nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng của Tanzania đang chiếm 54% GDP và sử dụng 80% lực lượng lao động của quốc gia. Chính phủ cũng đã mở rộng và cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế, tạo ra thể chế thích hợp để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vốn, công nghệ và trình độ quản lý vào ngành nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Tanzania mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành chế biến hạt điều, dầu cọ, chế biến gia súc, ngành thuộc da, chăn nuôi bò sữa… đồng thời mở rộng cả các lĩnh vực khác như thác khoáng sản và năng lượng, du lịch, viễn thông.
Thủ tướng Mizengo Peter Pinda khẳng định với tiềm năng to lớn cùng chính sách mở rộng thu hút đầu tư, Chính phủ Tanzania luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Tanzania.
Về phần mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo với chính phủ và các doanh nghiệp Tanzania rằng, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 186 quốc gia và vùng lãnh thổ, thành viên năng động của 70 tổ chức quốc tế và khu vực, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân gần 7% và phát triển được 600.000 doanh nghiệp có khả năng và tiềm năng hợp tác tốt với các đối tác nước ngoài.
Đồng thời, Việt Nam cũng giữ vị trí chiến lược trong khu vực ASEAN và Đông Á, cửa ngõ tiếp cận với cả khu vực và nhiều đối tác kinh tế lớn trên thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương mới được ký kết và có hiệu lực. Việt Nam đã ký kết và đàm phán 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác, là thành viên TPP, WTO… Năm 2018, khi các FTA đi vào thực hiện, Việt Nam sẽ là cửa ngõ vào một thị trường hơn 4 tỷ dân, tổng GDP trên 70.000 tỷ USD. Trong chính sách phát triển kinh tế của mình, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn mở rộng hợp tác với các nước châu Phi, trong đó có Tanzania.
Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước còn hạn chế, chưa khơi thông được các dòng chảy hợp tác đầy tiềm năng. Vì vậy, lãnh đạo hai nước đều mong muốn hợp tác kinh tế cần được coi trọng và đẩy mạnh trong thời gian tới.
Chủ tịch nước đánh giá: "Tôi đánh giá cao ý tưởng của Diễn đàn là tạo ra sự đồng thuận và chia sẻ hợp tác các doanh nghiệp. Tôi cho rằng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa 2 nước, tiềm năng và khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Tanzania có thể trở thành cầu nối, kết nối không chỉ thị trường của nhau mà còn của cả khu vực Đông Á và Đông Phi còn nhiều tiềm năng mà chúng ta chưa đánh thức. Tôi mong rằng những chia sẻ, quyết tâm này sẽ được cụ thể hóa bằng những hành động, chương trình dài hạn chứ không dừng lại ở kết quả khiêm tốn hiện có như kim ngạch thương mại song phương mới đạt hơn 200 triệu USD năm 2015 hay các kênh phân phối còn hạn chế về quy mô giữa các công ty thương mại của hai nước chúng ta".
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, lãnh đạo hai nước đã đã nhất trí coi nông nghiệp, viễn thông và thương mại là các lĩnh vực trọng tâm hợp tác giữa hai nước, góp phần tạo động lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Việt Nam có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Tanzania trong lĩnh vực này thông qua hợp tác chuyên gia, kỹ thuật viên nông nghiệp hoặc trực tiếp đầu tư vào các dự án sản xuất lúa gạo, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản… Hai bên cũng nhất trí đa dạng hóa các mặt hàng trao đổi, Việt Nam sẵn sàng xuất khẩu sản phẩm dệt may, giày dép, máy móc nông nghiệp sang Tanzania và các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất quan tâm đến những mặt hàng chủ lực khác của Tanzania như khoáng sản, gỗ.
Trên cơ sở quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo hai nước, Chủ tịch nước cho rằng các doanh nghiệp hai nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương và mở rộng ra 2 khu vực ASEAN và Châu Phi đầy tiềm năng.
Chủ tịch nước đề nghị đại diện doanh nghiệp hai nước là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan xúc tiến đầu tư Tanzania cần phối hợp xây dựng các chương trình hành động cụ thể, đưa ra các khuyến nghị và tham mưu kịp thời cho lãnh đạo hai nước xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác kinh doanh. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, các Bộ, ngành của Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Tanzania sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan xúc tiến đầu tư Tanzania đã ký thỏa thuận hợp tác, tạo tiền đề thúc đẩy trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Theo Hoàng Dũng (VOV)