Đặc sắc Lễ hội Đô thị Nước Mặn
Từ ngày 8 đến 11.3 (30 tháng Giêng đến 3 thán 2 âm lịch), tại Di tích lịch sử chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) đã diễn ra Lễ hội Đô thị Nước Mặn năm 2016.
Di tích lịch sử chùa Bà - nơi diễn ra Lễ hội Đô thị Nước Mặn năm 2016. ẢNh: XUÂN THỨC
Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu Thánh mẫu, tương truyền là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn nơi vùng cảng thị thuở xưa. Ngày nay, cảng thị Nước Mặn không còn, lễ hội là dịp để người dân nơi đây hoài niệm về ngày xưa. Miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị chỉ còn lại chùa Bà, bên trong thờ Thiên Hậu Thánh mẫu ở gian giữa; Thành Hoàng và Bà Mụ ở hai bên.
Trong những ngày lễ hội diễn ra, những nét văn hóa mang đậm truyền thống của vùng cảng thị xưa như lễ nghinh thần, rước sắc; rước các biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục được tái hiện. Những biểu tượng như: Kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc... nhằm tưởng nhớ, suy tôn công lao của cha ông năm xưa đã biến vùng đầm lầy ven biển thành một thương cảng sầm uất.
Quang cảnh lễ nghinh thần, rước sắc; lễ rước biểu trưng Ngư – Tiều – Canh – Mục trong lễ hội đô thị Nước Mặn. Ảnh: NGUYỄN VĂN NGỌC
Trong những ngày lễ hội, người dân khắp nơi đổ về An Hòa vừa dự lễ, cũng là để mong cầu một năm mới tốt lành. Nhiều người hiếm muộn còn đến dự hội để cầu về đường con cái.
Ông Nguyễn Cư (86 tuổi, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), Trưởng Ban hộ tự chùa Bà từ hơn 30 năm nay, cho biết: Lễ hội là một nét đẹp văn hóa của người dân cùng cảng thị Nước Mặn xưa, tồn tại hơn 4 thế kỷ. Ngày trước, những ngày lễ hội diễn ra, người dân treo đèn lồng rực rỡ khắp phố, bởi ngày hội như ngày Tết thứ hai trong năm với người dân nơi đây.
Thả thuyền để nhớ về một thưở trên bến dưới thuyền. Ảnh: XUÂN THỨC
Đặc biệt năm qua, từ nguồn vốn xã hội hóa hơn 3,4 tỉ đồng, thôn An Hòa, xã Phước Quang, đã tiến hành trùng tu, mở rộng nơi thờ tự Thiên Hậu Thánh Mẫu với diện tích gần 100m2, tiến hành nâng cấp, mở rộng khuôn viên chùa Bà với diện tích 2.600m2, đến nay đã hoàn thành. Qua đó, tạo thuận lợi hơn cho du khách thập phương về An Hòa trẩy hội, vui Xuân.
Đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương và cúng phẩm vật tại chùa Bà. Ảnh: GIA VŨ
Biểu diễn múa rồng và múa lân phục vụ Lễ hội. Ảnh: GIA VŨ
TRẦN HOA KHÁ
Muốn biết các ngày lễ hội của Bình Định thì xem mục các ngày lễ hội Bình Đinh thì biết ,
http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=55607 Gửi bạn Kim Nhi, trước khi diễn ra lễ hội này thì báo Bình Định đã đưa tin từ ngày 7.3.2016. Nếu bạn thường xuyên theo dõi báo Bình Định thì sẽ biết ngay thông tin về thời gian diễn ra lễ hội này thôi. Năm sau bạn muốn xem lễ hội này thì nên đến Chùa Bà vào ngày 30 tháng Giêng (âm lịch) thì sẽ rõ. Chúc bạn nhiều niềm vui.
Đáng tiếc lắm, các lễ hội này khi có trong mặt báo thì đã xong, muốn đi xem thì đã muộn, có thể nào đăng tin trên báo trước khi diễn ra lễ hội không (người dân ở Quy Nhơn)