Thương hiệu quốc gia: Không thể hiểu đơn giản là một giải thưởng!
Đến thời điểm này, có 63 doanh nghiệp được chọn tham gia chương trình Thương hiệu quốc gia - "Vietnam Value", nhưng chỉ 9% trong số đó trên website có treo logo của chương trình, điều đó cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ coi đây là một giải thưởng chứ không phải là công cụ để quảng bá thương hiệu.
Đây là ý kiến của ông Thierry Noyelle, cố vấn cao cấp của Chương trình Hợp tác kỹ thuật giữa Vietrade và SECO tại "Diễn đàn Thương hiệu lần thứ 9", do Cục Xúc tiến Thương Mại-Vietrade (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 11.3, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đang phát biểu tại Diễn đãn Thương hiệu quốc gia lần thứ 9.
Nói sâu hơn về cách làm thương hiệu, chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý đến chất lượng thông tin được cập nhật của các doanh nghiệp trên còn rất nghèo nàn, gây khó hiểu cho người muốn tiếp cận thông tin. Hơn nữa, chỉ có 28% trong số 63 doanh nghiệp liệt kê trách nhiệm cộng đồng trên trang thông tin đó.
Từ thực trên, ông Thierry Noyelle kiến nghị các doanh nghiệp khi tham gia chương trình Thương hiệu quốc gia cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập hợp lại và khai thác những điểm mạnh, lợi thế trong từng ngành hàng để tạo ra một hướng đi mới.
"Hiện Việt Nam có 49 chỉ dẫn địa lý thì đây là hình ảnh để xây dựng thương hiệu tập thể, điều này giúp doanh nghiệp thành công hơn trên thị trường thay vì xây dựng thêm những chỉ dẫn địa lý mới lạ," ông Thierry Noyelle nêu ý kiến.
Báo cáo tại diễn đàn cho thấy, năm 2015, giá trị Thường hiệu Việt Nam được định giá là 140 tỷ USD, giảm 19% so với năm 2014.
Tuy vậy, ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng châu Á-Thái Bình Dương (Công ty Brand Finance) cho rằng, trong 140 tỷ USD trên vẫn chưa tách bạch được sự đóng góp của 63 doanh nghiệp đang tham gia "Vietnam Value".
Đại diện Công ty Brand Finance cũng chỉ ra một số tồn tại trong việc xây dựng chiến lược thương hiệu của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố giá trị gia tăng của sản phẩm trong hoạt động xuất khẩu.
Cụ thể là nhiều sản phẩm còn xuất dưới dạng thô nên giá trị gia tăng thấp, thậm chí có thương hiệu của Việt Nam có uy tín trên thị trường quốc tế nhưng người tiêu dùng trong nước lại chưa bao giờ biết đến.
"Hơn một nửa giá trị thực thương hiệu của doanh nghiệp là giá trị vô hình, nếu không nắm được sẽ mất cơ hội để phát triển chương trình thương hiệu," ông Samir Dixit cho hay.
Có thể thấy, trong thời gian qua, vấn đề thương hiệu luôn là chủ đề nóng bỏng và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là quá trình mua bán sáp nhập nở rộ cũng là một cơ hội để đánh giá mức độ hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc chọn 63 doanh nghiệp trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp tham gia chương trình Thương hiệu quốc gia là một vinh dự lớn nhằm ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, gần nhất là thành viên cộng đồng chung ASEAN (AEC) thì đây vừa là cơ hội đông thời cũng là khó khăn, do vậy nếu không có chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia thì sẽ phải trả giá cho những thách thức đó.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý, trong bối cảnh nguồn lực và nhân lực của Việt Nam dành cho chương trình vẫn hạn hẹp, rất cần phải có sự liên kết và xã hội hóa để thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia.
Với hơn 90% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Chương trình Thương hiệu quốc gia không quá chú trọng đến quy mô doanh nghiệp, số lượng ít hay nhiều mà quan trọng là phải đạt được các tiêu chí của chương trình.
Theo đó các doanh nghiệp phải có điều kiện, bộ máy nhất định để theo đuổi giá trị thương hiệu và không chỉ dừng lại ở việc đạt được danh hiệu rồi không phấn đấu.
"Đây là một chương trình Thương hiệu quốc gia chứ không phải một giải thưởng do vậy phải đặt vấn đề trách nhiệm chính của doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia đó," thứ trưởng nhấn mạnh thêm.
Theo Đức Duy (Vietnam+)