NẾP NHÀ
Rế rách cũng đỡ nóng tay
Vợ chồng anh Chính ở xóm tôi vốn đông con. Tới sáu đứa. Các cháu đều phát triển bình thường, khỏe mạnh và lanh lảu, ngoại trừ cháu Tình là áp út. Con gái mà tội! Xấu xí và vô duyên. Tướng tá rất thô kệch đã vậy lại thừa hưởng làn da đen đủi của ba nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là cái sự ngây ngây của cháu. Hình như não bộ của cháu có vấn đề. Tâm trạng của Tình thường không ổn định. Vui cũng quá mà buồn cũng quá. Rồi có khi tửng tửng và gây ra rất nhiều chuyện rầy rà. Mỗi lần như vậy, vợ anh Chính chỉ còn biết than thở: “Con dại cái mang. Cháu nó bịnh. Có cái đầu nhưng không có cái trí. Mong bà con thông cảm”.
Vợ chồng tôi ở gần nên rất biết tình cảnh của Tình và nỗi khổ tâm của cha mẹ cháu. Biết nên càng thêm thương cháu và lo lắng cho anh chị Chính hơn. Má tôi hồi trước cũng chú tâm vô Tình dữ lắm và luôn bày tỏ sự cảm thông. Má hay xuýt xoa không quên thở dài và buột miệng: “Không biết rồi đây con Tình lớn như thế nào? Làm sao ba má nó sống đời để lo cho nó hoài được”. Những lần má tôi ca cẩm vậy mà có dì Tư ở sát cạnh thể nào dì cũng nói: “Úy! Hơi nào chị. Đứa lanh sống ngon. Đứa dại sống dở. Cũng sống hết à! Sống ào ào cũng sống mà sống chậm lụt cũng sống thôi mà. Còn con cái? Không nhờ, cũng đâu sao mà như may mắn có được nhờ thì đứa khỏe mình nhờ nhiều. Đứa bịnh mình nhờ ít. Rế rách cũng đỡ nóng tay”.
Rồi những đứa con của anh chị Chính cũng lớn nhanh và quậy phá cũng thật nhanh. Mỗi đứa hư mỗi kiểu. Đứa lớn hư kiểu lớn, đứa nhỏ hư kiểu nhỏ. Con trai phá kiểu con trai, con gái phá kiểu con gái. Tất cả, ngoại trừ Tình. Không hiếm lần chị Chính qua nhà tôi khóc lóc, kể tội các con mình. Những đứa con lanh lảu và khỏe mạnh của anh chị. Những đứa mà anh chị rất hy vọng. Còn Tình? Cái đứa dại dại ngây ngây không ngờ lại rất được. Càng lớn, tướng cháu càng tồng ngồng nên rất khó coi nhưng ăn nói đã đỡ nhiều và ba cái chuyện gây rầy rà, phiền toái cho hàng xóm cứ bớt lần lần rồi dứt hẳn. Cháu biết thương gia đình, bất mãn chuyện quậy phá của các anh chị và thường nói: “Để con… khôn hơn một chút nữa rồi con đi làm nuôi ba má”.
Cháu đã khôn chưa? Chúng tôi không rõ lắm nhưng rất rõ chuyện này là cháu đã đi làm công cho một người bà con được mấy tháng nay. Lương ít nhưng luôn biết dành dụm, chắt chiu và đưa tiền về cho cha mẹ. Cũng đỡ cho nhà được khoản điện nước, điện thoại. Chứng kiến chuyện của Tình, tôi mới thấy câu dì Tư nói là đúng. Mừng cho cháu và mừng nhất là má tôi đã kịp biết hết mấy chuyện hay ho của cháu Tình.
HUYỀN MINH