Để thương hiệu quốc gia tạo thêm giá trị cho hàng hóa Việt
Các DN Việt Nam cần phải chuyên nghiệp trong việc sử dụng logo cũng như việc thiết kế website thân thiện hơn, không chỉ với khách hàng Việt Nam mà còn với khách nước ngoài. Chỉ có như vậy, dòng chữ “Made in Vietnam” mới tạo thêm được giá trị cho hàng hóa Việt.
Xây dựng thương hiệu cho DN đã khó, thương hiệu quốc gia còn khó hơn. Thực tế cho thấy DN Việt vẫn chưa thực sự chú trọng xây dựng thương hiệu của chính mình. Cũng vì thế, giá trị thương hiệu quốc gia vẫn đang ở mức thấp.
Theo đánh giá của Công ty Brand Finance (Công ty tư vấn định giá thương hiệu của Anh), giá trị thương hiệu quốc gia (THQG) của Việt Nam năm 2015 chỉ đạt 140 tỉ USD, trong khi năm 2014 là 172 tỉ USD (sau 2 năm giảm 19%).
Con số này dựa trên các chỉ số lượng hóa về giá trị thương hiệu, đo lường các thành tựu kinh tế, chất lượng sản phẩm, độ thỏa mãn của khách hàng, các chỉ số về năng suất, chất lượng lao động, thương mại… Tất cả cho thấy giá trị THQG Việt Nam chưa được cao.
Chưa chuyên nghiệp
“Lẫn lộn và bối rối” là cụm từ mà ông Sammir Dixit, Giám đốc vùng châu Á-Thái Bình Dương - Công ty Brand Finance, sử dụng khi đề cập đến logo (một trong những thành tố nhận diện thương hiệu đặc biệt quan trọng) của các doanh nghiệp Việt.
“Hình ảnh chiếc nón lá và áo dài mới chỉ thể hiện du lịch chứ chưa thể hiện sản phẩm. Việt Nam có quá nhiều logo khiến người nước ngoài thấy lẫn lộn và bối rối, lúc thì là nụ cười, lúc là bông sen, lúc là hình chữ S hoặc một câu slogan về Việt Nam… Tôi cho rằng không cần phải có quá nhiều thứ như thế mà cần phải gọt giũa để có hình ảnh đại diện, nhất quán cho Việt Nam".
Bên cạnh đó, website của doanh nghiệp Việt Nam cũng bị “chê” là tổ chức không tốt, đặc biệt là thông tin bằng tiếng Anh quá nghèo nàn.
Ông Thierry Noyelle, cố vấn cao cấp chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Viettrade và Ủy ban Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) cũng cho biết, ông đã khảo sát 63 trang web của 63 Công ty tham gia Chương trình THQG của Việt Nam, tuy có tiếng Anh nhưng nội dung đều rất hạn chế.
Theo ông Thierry Noyelle, nếu muốn quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm thì trang web là thứ đầu tiên phải chú ý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng DN Việt Nam cần phải chuyên nghiệp hơn trong việc sử dụng logo cũng như việc thiết kế website thân thiện hơn, không chỉ với khách hàng Việt Nam mà còn với khách nước ngoài.
Thương hiệu quốc gia chỉ mới như một danh hiệu
Chương trình “Thương hiệu Quốc gia” là chương trình của Chính phủ giao Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) là cơ quan thường trực triển khai, nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là một đất nước có sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) chất lượng cao, uy tín.
Từ năm 2003 tới nay, Bộ Công Thương đã lựa chọn được 63 doanh nghiệp có thương hiệu (sản phẩm, dịch vụ) đạt chuẩn THQG.
Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện chỉ có 10/63 công ty đưa logo đạt THQG lên trang web của mình. Điều đó chứng tỏ THQG Việt Nam - Vietnam Value - chưa được biết đến rộng rãi.
“Nếu muốn Vietnam Value được biết đến nhiều thì phải quảng bá nhiều hơn nữa. Các DN phải tự hào để giành được logo đó, đưa vào trang web của mình. Nhưng có vẻ như Vietnam Value mới được sử dụng như một danh hiệu, một giải thưởng”, ông Sammir Dixit nói.
Thêm nữa, một số chuyên gia quốc tế cũng cho rằng chương trình THQG Việt Nam mới tập trung cho các doanh nghiệp lớn nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cần được hỗ trợ xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu, bán hàng được với giá tốt hơn, số lượng nhiều hơn.
Ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng THQG cho rằng, những ý kiến có nhiều thông tin thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay, trên 90% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa nên việc xây dựng thương hiệu Việt cho doanh nghiệp còn phải có giải pháp cụ thể.
Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh việc xây dựng THQG gắn với sản phẩm, DN là cấp thiết khi đất nước đang hội nhập sâu rộng. Nếu không có biện pháp xây dựng, quảng bá thương hiệu thì DN sẽ không tận dụng được cơ hội.
Theo Phan Trang (VGP)