Họa sĩ Văn Sáu: Tâm huyết với sắc màu sân khấu
Họa sĩ sân khấu là người chuyên sáng tạo, thiết kế tạo nên vẻ mặt sân khấu. Công việc của họ thầm lặng, tô điểm cho nghệ thuật thêm sống động và lung linh hơn. Ðảm nhiệm vai trò quan trọng này ở Nhà hát tuồng Ðào Tấn là họa sĩ Văn Sáu, người luôn tâm huyết “tạo sắc phông màn”, vẽ mặt nạ, thiết kế trang phục, những đôi hia, mão đẹp cho những vở tuồng đa dạng màu sắc.
Họa sĩ Văn Sáu.
Ngay từ nhỏ, Văn Sáu đã nổi tiếng khéo tay ở vùng quê xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bởi tài đan lát, khắc gỗ, hay vẽ tranh đẹp. Như cái duyên với đất Bình Định, Văn Sáu chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, rồi được về Nhà hát tuồng Đào Tấn công tác từ năm 1981. Ban đầu, anh chỉ là một nhân viên hậu đài với các công việc như dàn dựng cảnh trí, kéo màn… và lúc rảnh rỗi lại lôi chì cọ ra vẽ chân dung cho anh em nghệ sĩ. Năm 1984, Văn Sáu đi bộ đội. Hoàn thành trách nhiệm của một quân nhân, anh quay về Nhà hát tuồng Đào Tấn tiếp tục công việc đang làm trước đây. Đến thời điểm này, khái niệm thiết kế mỹ thuật cho sân khấu với anh vẫn rất mơ hồ…
Bén duyên với mỹ thuật sân khấu
Năm 1995, Văn Sáu tình cờ biết đến khóa học mỹ thuật của Đại học mỹ thuật Huế nên quyết tâm theo học. Cầm tấm bằng cử nhân mỹ thuật trên tay, về lại Nhà hát tuồng Đào Tấn làm việc, Văn Sáu mới thấy rằng mỹ thuật sân khấu khác xa với chương trình mỹ thuật đại cương chung chung mà anh từng học. Để thật sự gắn bó với Nhà hát, anh đã học hỏi thêm từ NSND Nguyễn Hồng- một họa sĩ nổi danh gắn bó lâu năm với mỹ thuật sân khấu. Đồng thời tự mình nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu mỹ thuật từ sách báo, từ sân khấu truyền thống để bồi đắp nền tảng cho công việc sáng tạo của mình. Khi thầy Nguyễn Hồng già yếu, anh thay thầy đảm nhận trọng trách thiết kế, dàn dựng mỹ thuật cho sân khấu tuồng của Nhà hát.
Công việc thiết kế cảnh trí, đạo cụ, phục trang cho sân khấu, đặc biệt là sân khấu tuồng không hề đơn giản. Bởi lẽ sân khấu tuồng nặng về tượng trưng, cách điệu và tả ý nên đòi hỏi sự cô đọng, không rườm rà. Chẳng hạn, để thể hiện cảnh nhà của một vị võ tướng lẫm liệt, oai nghiêm, với các bộ môn nghệ thuật khác có khi người ta vẽ cả một con hổ với thân hình to lớn, mạnh mẽ trong tư thế nhảy lên như đang vồ bắt con mồi. Với sân khấu tuồng thì người họa sĩ chỉ vẽ mặt con hổ nhưng phải biểu thị được sắc thái dũng mãnh, uy vũ của vị chúa tể sơn lâm… Cả đề tài và tính cách nhân vật cũng chi phối rất nhiều đến bố cục và nội dung cảnh trí, đạo cụ, phục trang của từng vở diễn. Vở tuồng về lịch sử, danh nhân phải thể hiện được cái thần thái uy nghiêm và chính xác đến từng chi tiết; vở tuồng đề tài dân gian thì tất cả phải nhẹ nhàng, gần gũi với hiện thực cuộc sống; vở tuồng hài thì khung cảnh, cách ăn mặc của các nhân vật phải mang tính vui nhộn, nhí nhố và gây cười…
Cái khó của nghề không làm cho Văn Sáu nản mà trái lại nó còn thôi thúc anh lao vào tìm hiểu và sáng tạo. Đến Nhà hát tuồng Đào Tấn, nhiều lần người ta bắt gặp một họa sĩ ngồi dưới sàn nhà miệt mài vẽ giữa ngổn ngang các lọ màu sơn. Nhờ sự nhanh nhạy, khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt, anh đã nắm bắt và tạo cho mình một phong cách riêng trong việc thiết kế mỹ thuật sân khấu tuồng: vừa cân đối, hài hòa lại sinh động, sâu sắc, giàu ý nghĩa. Họa sĩ Văn Sáu chia sẻ: “Có những khi nhận kịch bản, đêm về ngồi nghĩ hoài không ra cách thể hiện, đặt lưng xuống giường lại chẳng tài nào ngủ được! Cả đêm gác tay lên trán trằn trọc, hết xoay bên này lại trở bên kia, rồi bất chợt ý tưởng lóe lên trong đầu, thế là tôi vội vã lao đến bàn giấy, tốc ký lại ngay kẻo ý tưởng vụt mất!”.
Nhiều vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn thành công có sự đóng góp về thiết kế, dàn dựng mỹ thuật cho sân khấu của họa sĩ Văn Sáu.
Khẳng định dấu ấn sáng tạo
Nhiều vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn rất thành công, trong đó khâu thiết kế sân khấu của anh đóng vai trò không kém phần quan trọng. Có lần nhận kịch bản vở tuồng “Sơn Hậu”, anh gặp cái khó khi phải thể hiện cảnh trí sân khấu làm sao toát lên được bản chất của hai vương triều đối lập: một bên là triều cũ chính nghĩa, một bên là ngụy triều vừa mới lập sau khi soán ngôi vua. Sau nhiều ngày băn khoăn, trăn trở, cuối cùng anh đã nảy ra sáng kiến dùng con rồng màu vàng, mắt sáng, vẻ mặt chững chạc, phúc hậu đại diện cho minh quân. Đối lập lại, anh dùng con rồng màu đen, đôi mắt dữ tợn, nham hiểm, vẻ mặt gian ác tượng trưng cho bạo chúa tham tàn, xảo quyệt. Và anh đã thành công khi nắm bắt trọn vẹn dụng ý của đạo diễn. Lần khác, dù chưa được đạo diễn trao đổi ý tưởng về vở tuồng “Phạm Công Cúc Hoa” nhưng Văn Sáu đã tự đem kịch bản về nghiên cứu, thiết kế sân khấu cho vở diễn. Lúc ấy, đạo diễn được dịp đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi vừa phân công nhiệm vụ thì Văn Sáu đã có ngay bảng phác thảo trong tay, mà ý tưởng lại độc đáo và đúng với mong muốn của mình.
Nhờ sự chuyên nghiệp và sáng tạo riêng trong thiết kế mà ngoài việc là họa sĩ sân khấu chính cho Nhà hát tuồng Đào Tấn, Văn Sáu còn được các đơn vị nghệ thuật tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp ở Nha Trang mời thiết kế sân khấu cho họ. Không chỉ dừng lại ở đó, anh còn nghiên cứu đóng hia, mũ cho các đoàn tuồng không chuyên tại Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa…“Hăng say, cần mẫn, chịu khó trong công việc; điềm đạm, giản dị và tốt tính trong cuộc sống” là những nhận xét của NSND Xuân Hợi, diễn viên kỳ cựu của Nhà hát tuồng Đào Tấn dành cho họa sĩ Văn Sáu.
Khi nghe tôi hỏi có bao giờ anh thấy nản, thấy buồn vì đã theo cái nghề nhọc óc, nhọc công nhưng khán giả ít ai biết đến không, họa sĩ Văn Sáu dùng hai câu thơ của Nguyễn Du để thay cho câu trả lời: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Anh xem cái nghề đã chọn là duyên, là nghiệp và hạnh phúc khi được thầm lặng cống hiến cho thành công chung của Nhà hát tuồng Đào Tấn.
HOA MỘC LAN