Nụ hôn tin cậy
* Truyện ngắn của khuê việt trường
Bạn bè nói: “Mày đẹp, nếu không nói là rất đẹp, mày chỉ cần lẳng lơ một tí, một tí thôi là mày có khối tiền. Đừng có bày đặt nghèo mà làm chảnh!”.
Thủy Tiên chẳng bao giờ chảnh. Thủy Tiên biết nỗi khổ cực để kiếm ra đồng tiền khi mình chỉ có nhan sắc mà trình độ học vấn bị giới hạn. Ngay cả chuyện phải lòng với một người đàn ông nào Thủy Tiên cũng ngần ngại. Cuộc sống bây giờ không đơn giản như ngày xưa, thuở ba mẹ Thủy Tiên quen nhau. Cách yêu của giới trẻ bây giờ bị ảnh hưởng bởi các mạng internet, phim ảnh đến độ họ có thể yêu nhau vài ngày, bỏ nhau rồi lại quen nhau, lòng vòng như thế năm bảy lần mà vẫn sống vui vẻ bình thường. Thủy Tiên biết hết. Hàng ngày, Thủy Tiên vẫn có cái thú vào mạng đọc báo, và môi trường Thủy Tiên làm việc giống như một thế giới rỗng với những người nhiều tiền, thích khoe khoang và không thích về nhà ăn bữa cơm với gia đình.
Khi Thủy Tiên trở về nhà vào ngày chủ nhật, lo đi chợ nấu ăn. Mẹ rất vui. Mẹ vừa ăn cơm, vừa kể chuyện ngày xưa như là sự nhắc nhở sự vắng mặt của người đàn ông trong gia đình. Mẹ bảo ba phải mất ba năm trời để quen được mẹ, còn đến ngày cưới ba mới dám ôm mẹ và hôn mẹ. Cái thế giới cổ tích của mẹ nó đằng đẵng những nỗi nhớ như trong cơn mưa đạp xe cả mấy cây số chỉ để tới nhà nhìn thấy mặt nhau. Hẹn hò nhau đôi khi chỉ ở một mái hiên nhà thờ trong ngày không có thánh lễ, còn đi chơi là chở nhau qua những làng quê, nhìn những ruộng lúa trổ đòng đòng...
Ba Thủy Tiên là tài xế xe tải đường dài, mỗi tháng chỉ về nhà vài ngày rồi lại tiếp tục làm những cuộc hành trình từ Bắc vào Nam. Ông đã bỏ hai mẹ con cô sau một cơn đau bệnh đột ngột từ chuyến đi xa gặp bão. Ba qua đời khi Thủy Tiên vừa học xong lớp 10, rồi cũng dở dang việc học từ đó. Nhiều lần Thủy Tiên tìm cách để trở lại mái trường, nhưng cứ bị bỏ lửng mãi vì sau khi ba mất, mẹ lại bệnh vì nhớ thương ba. Một mình Thủy Tiên lao vào cuộc mưu sinh để lo cho gia đình.
Cô bé 16 tuổi gầy ốm vừa mất cha, bước chân vào quán phở giúp việc còn nhiều vụng về. Quán phở nằm ven quốc lộ, bán không ổn định. Một hôm, có một chàng thanh niên ăn mặc lịch sự, ngẫu nhiên dừng lại quán phở ven đường, anh tên Thanh đang sống ở tận Sài Gòn xa lắc, nhưng rong ruổi mọi miền bằng chiếc xe máy. Thanh nhìn Thủy Tiên chăm chú, rồi hỏi thăm cặn kẽ về hoàn cảnh của Thủy Tiên. Anh đưa cho Thủy Tiên tấm danh thiếp công việc nhà báo của mình, rồi khuyên: “Em nên đi học tiếp, em cũng nên kiếm chỗ làm khác để có điều kiện học hơn. Em xinh đẹp, em ngoan, em đáng có một công việc tốt, một đời sống tốt”. Anh bảo tiếp: “Rồi một ngày nào đó mình gặp lại. Anh hy vọng em đã vượt qua những cạm bẫy”.
Hôm đó Thanh đưa cho Thủy Tiên một địa chỉ, bảo Thủy Tiên cứ tới đó, chính là công ty quảng cáo của bạn Thanh. Nhưng Thủy Tiên không thể có một chỗ làm ở văn phòng, bởi họ đòi hỏi phải có trình độ nhất định.
***
Bên công ty bia có một ông đeo chiếc kính cận dày cộm, gặp Thủy Tiên khi cô đang phát mấy tờ giấy quảng cáo cho một công ty bán bánh ngọt tại một hội chợ, ông nói: “Thật là một sự lãng phí trời cho, cực kỳ lãng phí. Em về bên anh làm tiếp thị, lương ba triệu, có chế độ hẳn hoi, còn tiền boa có khi còn nhiều hơn lương”.
Tại sao không làm thử bên công ty bia? Thủy Tiên nhủ như thế, bởi công việc hợp đồng bên công ty quảng cáo rất bấp bênh. Họ tuyển những cô gái có dáng vóc như Thủy Tiên chỉ để ký hợp đồng làm thời vụ, chẳng biên chế, chẳng có lương hàng tháng. Thật ra thì việc làm bên công ty quảng cáo giúp cho Thủy Tiên có thời gian đi học lại. Lớp học toàn những người lớn tuổi, chẳng ai mắc cỡ vì bây giờ mình mới ngồi để học. Nhưng Thủy Tiên lại rất cần tiền…
Công ty bia toàn là các cô gái có nhan sắc, có cô như những cô người mẫu in hình trên các tạp chí. Tổ trưởng là một chị lớn tuổi, chị nói như bài giảng của giáo viên dạy cho học sinh: “Nhan sắc và trang phục của các em là lợi thế ban đầu để khách chú ý. Nhưng công ty không đánh giá các em về nhan sắc, mà đánh giá về sản lượng các em bán được hàng tuần, hàng ngày, hàng đêm…”.
Thủy Tiên cứ bốn giờ chiều là đi làm. Tất cả đều thay trang phục của hãng bia là chiếc váy với màu xanh nước biển thiết kế khiến ai mặc vào cũng xinh. Tới quán, nhiệm vụ của Thủy Tiên với nhóm tiếp thị mà mọi người hay gọi là “nhóm mobile” là rót bia cho khách đã gọi loại bia mình đang giới thiệu. Đôi khi xã giao cũng nhấp môi với khách để khách uống thêm nhiều sản phẩm của mình. Thủy Tiên khá nổi bật trong nhóm vì nhan sắc đằm thắm của mình, giọng nói ngọt ngào và có thể uống vài ly bia mà không say. Nhưng chính vì vậy mà những ông khách khi đã say hay để đôi tay mình… đi hoang khi Thủy Tiên tiếp cận chào hàng. Thủy Tiên đã khéo léo né tránh biết bao nhiêu lần khi những ông khách cứ giả vờ để đôi bàn tay va chạm vào thân thể cô. Đôi khi cũng không hiếm lời cợt nhả: “Em làm ở đây được mấy đồng. Tối nay mình hẹn hò đi, em cứ ra giá em nhé. Đây là số điện thoại của anh…”. Những số điện thoại đó đều bị Thủy Tiên ném vào trong giỏ rác.
Nhiều lúc Thủy Tiên cũng muốn nghỉ công việc tiếp thị bia, nhưng cô đang cần tiền để đi học tiếp. Thủy Tiên vừa hoàn tất chương trình học bổ túc THPT. Tấm bằng phổ thông có thể không quan trọng với nhiều người, nhưng với Thủy Tiên nó rất quan trọng, nó là bàn đạp để thay đổi cuộc sống. Thủy Tiên đang dự định sẽ đi học tiếp ngành du lịch, lại phải cần tiền.
Tuy nhiên, buổi tối hôm ấy đã làm cho Thủy Tiên ứa nước mắt. Nhóm tiếp thị đến quán Cát Đằng là chặng cuối cùng của cuộc hành trình trong đêm. Khi Thủy Tiên đang rót bia mời một bàn khách gồm nhiều người, nhìn vào vỏ bia bỏ lăn lóc bên dưới cho biết họ uống rất nhiều, thì một ông lớn tuổi đã đứng dậy, cầm ly bia đưa cho Thủy Tiên: “Em uống cạn hết ly này nhé”. Thủy Tiên nhỏ nhẹ đáp: “Em xin phép uống vài hớp cho vui thôi”. Chỉ bao nhiêu đó mà người đàn ông gằn giọng: “Em mà không uống thì anh đổ vào miệng em nghe chưa”. Người đàn ông ấy say lắm rồi, ông ta càng hăng lên khi cả bàn cứ vỗ tay đồng thanh: “vô vô vô… một, hai, ba… vô vô…”.
Bỗng từ đâu Thanh, chàng thanh niên gặp một lần ở quán phở, đã xuất hiện đúng lúc ở quán bia. Anh đã đến bàn của người đàn ông, kéo Thủy Tiên: “Thôi đi về”. Thanh xoay người nói với người đàn ông đang say: “Xin lỗi anh, đây là vợ sắp cưới của tôi”. Anh đã kéo Thủy Tiên lên chiếc xe máy của mình, đi đến một quán cà phê. “Sao em không gọi điện cho anh? May mà khi nãy có anh ở đó”, Thanh nói khi gương mặt của Thủy Tiên còn giàn giụa nước mắt. Rồi anh tiếp lời: “Em hãy vào Sài Gòn ở với bà chị ruột của anh. Bà có cửa hàng thời trang, em cứ ở đó phụ bán hàng và học tiếp. Sau đó, anh sẽ kiếm việc làm cho em, được không?”.
-“Nhưng?...”, Thủy Tiên ngập ngừng.
- “Nhưng gì?! Không phải người đàn ông nào giúp một người phụ nữ đều vì nhan sắc. Em phải tin điều đó”, Thanh bày tỏ sự chân thành.
- “Em xin phép về suy nghĩ thêm…”, Thủy Tiên nói thế và dịu dàng hôn lên má Thanh. Nụ hôn tin cậy của một người con gái.
K.V.T