Cước vận tải giảm theo giá xăng dầu: Nơi giảm nhiều, nơi “nhỏ giọt”!
Thông tin từ Sở Tài chính cho hay, đến đầu tháng 3 này đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải hành khách bằng ô tô (DNVT) trên địa bàn tỉnh giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là liệu cước vận tải giảm có theo kịp đà giảm giá xăng dầu!
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước vận tải tại một DNVT ở huyện Tây Sơn.
38 DNVT giảm cước vận tải
Cụ thể, theo Sở Tài chính, loại hình taxi có 4 DNVT giảm 200 - 4.000 đồng/km (1,78% - 40% tùy theo từng loại cự ly đối với từng loại xe). Đối với xe buýt, giá cước giảm ở một số tuyến được trợ giá và tuyến tự cân đối giảm 4% - 9,56%. Loại hình vận tải hành khách (VTHK) tuyến cố định đến nay có 31/32 đơn vị giảm giá cước 800 - 25.000 đồng/vé/lượt (2% - 10,34%).
“Một vấn đề khác đặt ra đến thời điểm này, các ngành chức năng vẫn chưa thể kiểm soát giá vé đến tay khách hàng có đúng với giá đã được kê khai hay không. Thời gian qua có không ít thông tin phản ảnh tình trạng nhà xe tăng giá vé vô tội vạ theo hình thức “thỏa thuận” giữa nhà xe và hành khách”
Riêng HTX Vận tải cơ giới Phù Cát hoạt động cả 3 loại hình đã giảm giá cước vận tải 4,5% - 8,3% đối với taxi; giảm 3,03% - 6,7% với một số tuyến xe buýt cố định. Đối với VTHK tuyến cố định từ Phù Cát đi TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và ngược lại giảm 8% - 8,33%; tuyến từ Phù Cát đi Ngọc Hồi, Nha Trang, Kon Tum và tuyến Quy Nhơn đi Đà Nẵng giảm 2,44% - 3,23%. HTX Vận tải 19/5 Tuy Phước kinh doanh 2 loại hình thực hiện giảm giá cước 7,14% - 25% với taxi và giảm 8,4% với tuyến cố định.
Trong các DNVT đã giảm giá cước, một số đơn vị có mức giảm khá mạnh. Hoạt động trên tuyến từ huyện Tây Sơn đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại, từ ngày 6.3, giá vé xe khách của DNTN Thành Long (Tây Sơn) giảm 30.000 đồng/vé/lượt. Ông Bùi Đắc Khả, đại diện DN cho biết: “Đây là lần điều chỉnh cước vận tải mạnh nhất của DN, khi mới hơn 2 tháng đã giảm giá cước đến 2 lần”.
Ngược lại, vẫn còn một số DNVT chỉ giảm cước “nhỏ giọt”, trong khi Sở Tài chính yêu cầu mức giảm từ 3,89% - 5,65% (xe chạy bằng xăng) và từ 6,91% - 7,89% (xe chạy bằng dầu). Tình trạng này diễn ra chủ yếu ở loại hình vận tải khách tuyến cố định. Công ty TNHH kinh doanh vận tải Sơn Tùng hoạt động trên tuyến Quy Nhơn - Đà Nẵng, Quy Nhơn - Hội An (Quảng Nam) và ngược lại, giảm giá cước từ 125 ngàn đồng/vé/lượt xuống còn 120 ngàn đồng/vé/lượt đối với xe ghế ngồi (4%); từ 145 ngàn đồng/vé/lượt xuống còn 140 ngàn đồng/vé/lượt đối với xe giường nằm (3,45%). Với mức giảm nói trên, giá vé của đơn vị này chênh lệch với các đơn vị khác kê khai điều chỉnh giảm từ 3.000 đồng/vé - 15.000 đồng/vé.
Trong khi đó, hoạt động trên tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh và ngược lại, DNTN Thanh Phương giảm từ 220 ngàn đồng/vé/lượt xuống 210 ngàn đồng/vé/lượt (4,5%). Công ty TNHH Thương mại - Vận tải Trường Thịnh chạy tuyến Quy Nhơn - Huế và ngược lại, tuyến từ Quy Nhơn - Vinh (Nghệ An) và ngược lại giảm 4,79% - 5,88%...
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài chính, trong loại hình VTHK tuyến cố định, một số trường hợp cá biệt có mức giảm giá cước chưa đạt tỉ lệ yêu cầu của cơ quan quản lý giá. Lý do các đơn vị này đưa ra là xe mới được đầu tư; các khoản chi phí cho lao động tăng; một số tuyến qua các trạm thu phí và mức thu phí tăng lên 70% so với thời điểm cuối tháng 12.2015… So sánh mức giá của một số DNVT với các đơn vị khác chạy cùng tuyến thì mức giảm của một số DNVT kê khai giảm ít hơn yêu cầu, nhưng vẫn phù hợp.
Chưa hết lo!
Từ ngày 7-11.3, Đoàn kiểm tra liên ngành về giá, với các ngành Tài chính, GTVT và Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường) đã kiểm tra cước vận tải tại một số DNVT trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, vẫn còn một số DNVT giảm rất ít và chênh lệch nhiều so với các đơn vị hoạt động cùng tuyến.
Ngày 29.2, Chi nhánh Công ty TNHH Vận tải H&H tại Bình Định kinh doanh VTHK bằng taxi có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị không điều chỉnh giá cước taxi và giữ nguyên giá tại thời điểm điều chỉnh trước đó - ngày 6.1.2016. Đối chiếu giá với các hãng taxi khác thì mức giá cước taxi 8 chỗ của Công ty vẫn cao hơn giá cước của các DN kinh doanh VTHK bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Thái Anh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh - cho rằng cơ quan quản lý giá nên tính toán đến các yếu tố cấu thành cước vận tải để có yêu cầu giảm giá phù hợp giữa các DNVT. Xăng dầu chỉ là một trong số những yếu tố đầu vào quyết định giá dịch vụ, bên cạnh còn nhiều yếu tố khác như tăng phí cầu đường, chi phí nhân công tăng… nên việc giảm giá cần tính toán một cách hợp lý. Trong khi đó, đơn vị vừa đầu tư mua mới 25 đầu xe taxi 8 chỗ. Cộng gộp các yếu tố nói trên DN khó có thể giảm cước vận tải hơn được nữa. Mặt khác, cũng theo ông Tuấn, Bình Định vẫn chưa có Hiệp hội taxi nên cũng khó đảm bảo cạnh tranh lành mạnh về giá cước.
Đề cập đến vấn đề này, ông Trương Văn Phương, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về giá cho biết kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, khoảng 30% DNVT chưa kê khai giảm giá cước vận tải đúng tỉ lệ mà Sở Tài chính đã tính toán và yêu cầu. Các DN đều có nhiều lý do cho việc không giảm giá, hoặc giảm giá “nhỏ giọt”. Đoàn kiểm tra đã có biên bản yêu cầu các đơn vị giải trình để tiếp tục làm việc và có hướng xử lý cụ thể trong tuần tới.
Một vấn đề khác đặt ra đến thời điểm này, các ngành chức năng vẫn chưa thể kiểm soát giá vé đến tay khách hàng có đúng với giá đã được kê khai hay không. Thời gian qua có không ít thông tin phản ảnh tình trạng nhà xe tăng giá vé vô tội vạ theo hình thức “thỏa thuận” giữa nhà xe và hành khách. “Đây là một trong những hạn chế, bất cập của quản lý giá cước vận tải. Sau đợt kiểm ra này, đoàn kiểm tra sẽ kiến nghị các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý giá vé và yêu cầu các đơn vị vận tải phải xuất vé cho hành khách. Bên cạnh đó, công tác quản lý giá cước vận tải phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành” - ông Trương Văn Phương nhấn mạnh.
THU HIỀN