Cần quan tâm hơn đến Nhà lưu niệm Xuân Diệu
Hôm nay (15. 3), tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Xuân Diệu với văn hóa dân tộc”, do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam kết hợp với Hội Đồng hương Bình Định trên miền Bắc tổ chức. Xin lược trích giới thiệu bài viết trình bày tại Hội thảo của GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm, trong đó nhấn mạnh cần quan tâm nhiều hơn đến Nhà lưu niệm Xuân Diệu (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước).
1. Đầu năm 2016, tôi đã trở lại nơi từng có thời gian học ở chốn xưa Gò Bồi sau hơn nửa thế kỷ, để viếng thăm Nhà lưu niệm thi sĩ Xuân Diệu, người ân nhân của tôi, người không những giúp đỡ tôi trong nghề nghiệp văn chương mà còn đi hỏi vợ cho tôi tại Hà Nội. Số là trong những năm học văn khoa ở khu sơ tán Tràng Dương, Thái Nguyên, tôi có yêu Bích Ngọc, người Hà Nội, sinh viên khoa Hóa ở gần đó. Đến khi tốt nghiệp trở về Hà Nội, tôi được nhận ngay vào Vụ Văn hóa quần chúng thuộc Bộ Văn hóa, tiếp tục hoạt động phong trào sân khấu. Có sự nghiệp rồi, tôi muốn lấy vợ, nhưng không biết nhờ ai đi hỏi vợ cho, vì tôi không có gia đình trên miền Bắc. Nhà văn Nguyễn Thành Long cùng quê rất thương tôi, khuyên tôi đến nhờ nhà thơ Xuân Diệu đi hỏi vợ giúp tôi. Tôi đến nhà 24 Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ) gặp nhà thơ Xuân Diệu và thưa: “Em có người yêu ở Hà Nội, đã đồng ý cưới nhưng em chẳng có gia đình trên miền Bắc, nên nhờ anh là người đồng hương đi hỏi vợ giúp em”. Nhà thơ Xuân Diệu đồng ý và bảo tôi: “Em nên mời cả anh Huy Cận, vừa là người có uy tín, vừa là Thứ trưởng của em cùng đi với anh thì rất tốt”.
Tôi gặp nhà thơ Huy Cận và nói ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu. Ông đồng ý ngay và hẹn ngày cùng Xuân Diệu đi hỏi vợ cho tôi. Gia đình vợ tôi tiếp hai nhà thơ rất nồng hậu, nhưng ý chừng chưa muốn gả ngay, vì vợ tôi còn đang học năm cuối. Nhà thơ Xuân Diệu nói: Dân gian có câu “Lấy vợ thì lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”. Bố mẹ vợ tôi và các anh trong gia đình đều đồng ý cho tôi tổ chức cưới vào trung tuần tháng 10.1967. Rất tiếc là ngày cưới của chúng tôi hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận đều đi công tác xa…
2. Đạo lý của người Việt Nam “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, không bao giờ tôi quên ơn nhà thơ Xuân Diệu. Lần này về lại chốn xưa Gò Bồi, tôi đến một ngôi chùa cổ ở Làng Sông hái 10 bông hoa sứ có mùi hương ngào ngạt đem đến đặt trên bàn thờ Xuân Diệu và thắp nhang vái hương hồn ông, một thiên tài thơ đất Việt. Xong, tôi đi xem hầu hết những hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại Nhà lưu niệm Xuân Diệu. Tôi chợt nhớ năm nay tròn 100 năm sinh của ông (2.1916-2.2016. Tôi nói với người thủ từ, đúng hơn là người trông coi Nhà lưu niệm Xuân Diệu: “Tất cả những gì đang trưng bày tại ngôi nhà này thật quá đơn sơ, quá nhỏ bé đối với một nhà thơ lớn, một danh nhân văn hóa có tầm cỡ thế giới”.
Đừng để ngôi nhà lưu niệm một thi nhân nổi tiếng của dân tộc thành một “ngôi chùa Bà Đanh”, một ngôi chùa không có tiếng chuông, tiếng mõ và không có người viếng thăm hương khói! Hãy đến xem Bảo tàng Puskin ở Nga, Bảo tàng Gớttơ ở Đức, Eminecu ở Rumani… Ở những nơi đó đều là những “địa chỉ đỏ” thu hút hàng triệu người khắp hành tinh này, mà muốn thu hút người xem thì phải nghệ thuật hóa, sân khấu hóa thơ Xuân Diệu.
Muốn được như vậy, những cơ quan hữu trách, đặc biệt là các cơ quan văn hóa, văn học nghệ thuật ở Bình Định và cả ở Trung ương nữa cùng chung tay góp sức xây dựng khu tưởng niệm Xuân Diệu cho xứng tầm, thành một điểm đến của những người yêu thơ trong cả nước và cả người nước ngoài, tức là người ta đến đây ngoài xem những hiện vật sinh động phong phú về cuộc đời của một thi nhân nổi tiếng, còn được nghe kể về cuộc đời huyền thoại của một ông vua thơ tình, đồng thời được đọc thơ, nghe thơ, xem biểu diễn thơ Xuân Diệu qua nhiều loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại. Dĩ nhiên khâu tuyên truyền quảng bá cũng rất quan trọng. Nhà lưu niệm Xuân Diệu như thế mới trở thành một điểm đến của khách thập phương và nhiều người yêu thơ…
GS HOÀNG CHƯƠNG