Bám đường mưu sinh
Hàng ngày, trên các con đường, ngõ phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ gồng mình đẩy xe chở hàng nặng trĩu những trái cây, bắp luộc, quần áo… để mưu sinh. Với họ, công việc này nặng nhọc nhưng quan trọng là lo được cho gia đình.
1. Từ 4 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Bé, 50 tuổi, tổ 13, KV 7, phường Nhơn Bình đã tất tả chuẩn bị cặp lồng cơm, nước uống rồi đạp xe xuống chợ Lớn Quy Nhơn. Chị gởi xe đạp, quày quả đi mua trái cây, đoạn quay lại lấy chiếc xe đẩy gởi gần đó để sửa soạn, sắp xếp các loại trái cây vừa mua lên xe sao cho thật đẹp mắt. Mọi việc xong xuôi, chị đẩy xe đi, xuôi ngược các nẻo đường thành phố. Đến tối, khi dòng người trên đường qua lại thưa thớt hoặc hết hàng chị Bé mới đẩy xe về chợ gởi rồi về nhà ăn uống, nghỉ ngơi.
Còn với chị Ba Hồng, ở KV4, phường Trần Hưng Đạo thì dù chiều mới đẩy xe bắp luộc ra khỏi nhà, nhưng việc chuẩn bị đã bắt đầu từ buổi sáng, với chặt cuống, lột vỏ bắp, bắc nồi nấu bắp. Khoảng 1 giờ chiều, chị sắp xếp các giỏ bắp nóng hổi lên xe đẩy đi bán dạo khắp nơi trước khi dừng lại ở ngã tư đường gần chợ Sân bay. Chị Ba Hồng tâm sự: “Mỗi ngày bán được hơn 100 cái bắp, đa số là đi bán dạo, chứ ngồi một chỗ khó bán vì ít khách. Bán dạo thì nhanh hết hàng nhưng đi mỏi chân lắm, lại rao khản giọng”.
2. Ngoài những người bán trái cây, bán bắp còn có người bán giày dép, áo quần, cây cảnh, chè, đậu hũ… dạo bằng xe đẩy. Cứ nhìn hàng họ và cái cách họ buôn bán cũng đủ biết cuộc mưu sinh của những người vợ, người mẹ ấy bấp bênh, vất vả đến nhường nào. Mùa mưa đội áo mưa mà đi, mùa hanh khô, nắng cháy da cháy thịt cũng phải áo khoác, khẩu trang, găng tay... mà bon chen bán buôn giữa phố. Tôi chỉ đứng mua giúp các chị khoảng 5 - 10 phút đã cảm thấy khó chịu bởi hơi nóng từ nhựa đường bốc lên phả vào mặt, huống chi các chị ngày nào cũng ruổi rong ngoài đường, nên da ai nấy đều rám đen vì nắng.
Công việc bám đường mưu sinh của những phụ nữ bán hàng rong, tưởng chỉ đơn giản như chính chiếc xe đẩy và ít hàng trên xe, hóa ra không hề nhẹ nhàng, có lúc cả hiểm nguy. Chị Bé kể: “Tính ra, mỗi ngày tôi đi bộ hơn hai chục cây số với xe hàng cả trăm ký trái cây các loại. Làm nghề này tưởng nhẹ nhàng nhưng đứng cả ngày dưới trời nắng, bụi bặm cũng cực lắm. Có hôm, vừa qua đường, tôi bị người ta chạy xe ẩu tông gãy chân phải nằm ở nhà hai tháng trời. Cái chân bị gãy giờ mỗi khi trở trời lại đau nhức suốt”.
3. Gần 20 năm gắn với nghề bán bắp dạo bằng xe đẩy, chị Ba Hồng cũng chỉ cố lo cho đứa con bị tật bẩm sinh có điều kiện sống tốt hơn. Vậy mà, có lúc chị chủ quan để bịch tiền treo trên xe, bị kẻ gian giật mất cả vốn lẫn lãi.
Còn chị Trần Thị Tuyết, 45 tuổi, nhà ở KV 8, phường Lê Lợi, vốn là tiểu thương bán quần áo ở chợ Lớn Quy Nhơn, công việc kinh doanh của chị đã bước sang một ngã rẽ khác nhọc nhằn hơn kể từ khi cháy chợ. Chợ cháy, cả nhà chị điêu đứng vì mất sạch vốn. Chị Tuyết phải vay mượn lung tung mới mua được cái xe đẩy, đẩy quần áo đi bán lại. Chị Tuyết tâm sự: “Trước đây bán ở chợ Lớn cũ cũng đỡ vất vả, nhưng từ ngày có chợ mới, khách ít quá, chẳng kiếm được bao nhiêu. Hai mẹ con phải đẩy xe bán dạo cả ngày mới mong đủ sống, trả nợ. Những lúc cuối tuần hoặc ngày lễ, kỳ thi, có khách du lịch, thí sinh khắp nơi đổ về, hai mẹ con tranh thủ bán tới nửa đêm ở trước công viên Thiếu nhi”.
Lao động vất vả nên với những người bán hàng rong dạo, một đồng kiếm được cũng vô cùng quý giá. Điều họ sợ nhất vẫn là đau ốm. “Ăn thì sao cũng được, tiền mất thì cũng kiếm lại được, chứ đau ốm thì không làm được gì hết”, chị Bé tâm sự.
HẢI YẾN