Quyền được an toàn của người tiêu dùng
Đó là chủ đề Ngày Quyền của Người tiêu dùng (NTD) Việt Nam 15.3 lần đầu tiên được tổ chức. Đây là dịp để nhìn nhận lại những “lỗ hổng” trong hoạt động bảo vệ quyền lợi của NTD.
90% NTD không biết đơn vị bảo vệ quyền lợi
Những dịp cuối tuần, anh H. (một công chức sống ở TP Quy Nhơn) hay cùng bạn bè “bù khú”. Địa điểm không mấy đa dạng, quanh đi quẩn lại cũng một số quán “ruột”. Trong số đó có một quán lẩu bò “lâu đời” ở phường Ngô Mây. Quán cũng không lấy gì là sang trọng, nhưng cái “được” là thịt bò tươi hơn các quán khác. Sau Tết, anh cùng mấy người bạn ghé quán, bắt đầu lai rai mấy lon bia. Phát hiện một lon bia có vẻ “cũ” khác thường, lật đáy lon lên, anh mới té ngửa khi đã… hết hạn sử dụng.
“Song, bất ngờ nhất là thái độ của chủ quán, khi nghe khách phản ảnh, ông ta cầm lon bia ra đường đổ, xong tỏ vẻ khó chịu, càm ràm sao khách quá soi mói. Ông ta còn hối tính tiền, đuổi khách đi nữa chứ. Dù rất bực tức, nhưng không biết kêu ai, cũng không muốn rắc rối thêm, nên đành “nuốt giận đi về” - anh H. kể lại.
Bảo vệ NTD cung cấp lợi ích cho tất cả các ngành, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế.
- Trong ảnh: NTD chọn mua trái cây nhập khẩu tại siêu thị Co.opmart.
Trường hợp như anh H. không hề cá biệt. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSSE), 46% NTD mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo; 40% mua phải hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Đáng lo ngại, gần 90% NTD không biết cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi NTD. Và, chỉ có 2-3% NTD sử dụng các kênh khiếu nại hoặc khởi kiện khi quyền của mình bị vi phạm.
Theo ông Lê Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Bình Định, nguyên nhân khiến NTD “ngại” đòi hỏi hay đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình là do sợ mất thời gian, không tin vào cơ chế bảo vệ và sợ tốn tiền. Thực trạng tại Bình Định cũng không khác gì nhiều so với cả nước, số lượng khiếu nại của NTD rất ít; NTD cũng ít hiểu biết pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó, việc duy trì hoạt động và mở rộng mạng lưới của Hội là khó khăn.
“NTD ít biết về tổ chức Hội và thường thiếu sự hợp tác với chúng tôi khi có khiếu nại. Thành lập từ năm 1991 đến nay, trung bình mỗi năm chúng tôi chỉ giải quyết 5-10 vụ khiếu nại của NTD” - ông Lê Hiểu cho biết.
Cần đột phá trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD
Ngày 10.7.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg lấy ngày 15.3 hàng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Ngày Quyền của NTD Việt Nam được tổ chức nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội về nền kinh tế đất nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
Tối 12.3.2016, Lễ công bố lấy ngày 15.3 hàng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD năm 2016 là “Quyền được an toàn của NTD”. Đây là một trong 8 quyền cơ bản của NTD đã được quy định tại Điều 8 của Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD, cụ thể: “NTD có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.
Thời gian qua, các cấp, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD và các chương trình hành động vì quyền NTD. Song, trên thực tế, hoạt động này còn nhiều khó khăn và hạn chế. Trong khi đó, với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, quyền lợi của NTD Việt Nam cần được tăng cường, nâng cao. Trước yêu cầu của thực tiễn, công tác bảo vệ NTD cần có những đột phá, chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa của toàn xã hội.
Tại Hội thảo nhân Ngày Quyền của NTD Việt Nam 2015 được tổ chức ở TP Quy Nhơn, bà Ayumi Edakubo - chuyên gia thường trú Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khẳng định: Đối với các doanh nghiệp, bảo vệ NTD là vấn đề rất quan trọng. Bảo vệ NTD có thể cung cấp lợi ích cho tất cả các ngành, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cơ hội của doanh nghiệp khi đối tác của các nước phát triển sẽ coi Việt Nam là đối tác kinh doanh bình đẳng.
Phát biểu tại buổi lễ công bố Ngày Quyền của NTD Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị, các tổ chức, cá nhân có liên quan thẳng thắn thừa nhận rằng nhận thức của xã hội về vị trí và vai trò của công tác bảo vệ quyền lợi NTD còn hạn chế; sự quan tâm của các chủ thể, cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi NTD chưa đồng bộ; hệ thống văn bản pháp luật về công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa đủ mạnh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải coi bảo vệ quyền lợi NTD là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không chỉ tập trung vào một số bộ, ngành, cơ quan; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi NTD, nghiên cứu thống nhất về mô hình tổ chức, quản lý bảo vệ quyền lợi NTD trên phạm vi cả nước. Và, quan trọng nhất là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD của các chủ thể tham gia thị trường.
THU HIỀN