Chủ động phòng chống hạn và xâm nhập mặn
Trước nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng trong vụ sản xuất Hè Thu (HT) 2016, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn, nhằm giành lấy vụ sản xuất thắng lợi, đảm bảo đời sống của nông dân.
Dự báo nhiều khó khăn
Vụ HT năm nay, tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 40.750ha lúa, trong đó có 10.650 ha lúa vụ Hè và 30.100 ha lúa vụ Thu, yêu cầu sản lượng 250.613 tấn; cùng với sản xuất 3.796 ha bắp; 1.711 ha đậu phụng; 1.905 ha mè… Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, để đạt mục tiêu sản xuất nêu trên là không đơn giản, bởi thời tiết vụ HT được dự báo sẽ xảy ra nắng nóng kéo dài, khả năng hạn hán trên diện rộng rất cao.
Hồ chứa nước Tà Niêng ở xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) đã cạn trơ đáy, không còn khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ Hè Thu.
Sự lo lắng của ngành chức năng là có cơ sở, bởi nguồn nước tại các công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh đã và đang giảm mạnh. Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), cho biết: Sau khi cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân (ĐX), lượng nước tại các hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định quản lý còn 280,37 triệu m3, đạt 61%; lượng nước tại các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 53,68 triệu m3, đạt 44,7% so với thiết kế. Đáng lo ngại là nguồn nước tại các hồ chứa đang giảm từ 3-6 triệu m3/tuần, đầu vụ sản xuất sẽ có trên 15 hồ chứa bị cạn nước, tình hình hạn hán sẽ xảy ra ở nhiều địa phương. Với tình hình trên, vụ HT năm nay phần lớn các địa phương trên trong tỉnh sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước tưới ở mức độ khác nhau. Tổng diện tích cây trồng khả năng bị hạn là 11.673 ha, trong đó Hoài Nhơn 2.876 ha, Phù Mỹ 2.710 ha, Phù Cát 2.089 ha, Hoài Ân 777 ha, Tuy Phước 773 ha, Vân Canh 589 ha, Tây Sơn 208 ha, Vĩnh Thạnh 410 ha… Tình trạng xâm nhập mặn cũng sẽ xảy ra tại nhiều xã khu Đông các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ…
Thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng trong vụ HT cũng sẽ ở mức cao. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) thuộc Sở NN&PTNT, nhận định: Chuột sẽ phát triển mạnh về số lượng và gây hại lúa HT ngay từ đầu vụ; sâu đục thân hai chấm và rầy nâu, rầy lưng trắng, mỗi loại sẽ có từ 3- 4 đợt ra rộ gây hại lúa HT. Các loại sâu bệnh khác, như sâu năn, bọ trĩ, bệnh lem lép hạt, khô vằn cũng sẽ phát sinh mạnh gây hại lúa giai đoạn đòng trổ. Trên cây trồng cạn, bệnh lở cổ rễ, bệnh gỉ sắt, sâu đục quả… cũng sẽ xuất hiện gây hại đậu, bắp.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng sẽ gặp khó khăn, khi vi-rút các loại dịch bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm; vi-rút gây bệnh đốm trắng ở tôm nuôi… tiềm ẩn trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát, gây hại vật nuôi. Lĩnh vực lâm nghiệp cũng sẽ bị tác động xấu bởi nắng hạn, cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cấp bách triển khai các biện pháp chống hạn
Trước tình hình trên, ngày 9.3, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND yêu cầu các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng phương án sản xuất vụ HT phù hợp với thực tiễn. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Vụ sản xuất này, nhiều giống cây trồng có tiềm năng năng suất cao sẽ được đưa vào sản xuất đại trà; cơ cấu giống cũng đã được điều chỉnh phù hợp hơn. Cụ thể là vụ Hè chân 3 vụ lúa/năm sử dụng các giống lúa chủ lực trung và ngắn ngày, như ĐV 108, ĐV8, TBR 36, VTNA2; vụ Thu chân 3 vụ lúa/năm, sử dụng các giống lúa: ĐV 108, VĐ 8, TBR 1, VTNA 2, TBR45, ĐB6 và các giống lúa lai: TH 3-3, TH3-5, HYT 108, Nhị ưu 838, CT16, Xuyên Hương 178. Về lịch thời vụ, chỉ đạo nông dân thu hoạch xong lúa ĐX đến đâu tiến hành làm đất gieo sạ lúa Hè đến đó; vụ Thu xuống giống từ ngày 1- 20.5.
Sở NN&PTNT cũng đã giao Trung tâm Giống cây trồng, Chi cục TT& BVTV chủ động nguồn giống, thuốc BVTV để cung ứng đầy đủ và kịp thời cho nông dân. Công ty KTCTTL Bình Định phối hợp với các địa phương kiểm tra đánh giá tình hình nguồn nước, xây dựng lịch phân phối nước cụ thể cho từng công trình, thông báo cho các địa phương biết để phối hợp chỉ đạo sản xuất. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn nâng cao năng lực cấp nước sạch cho người dân.
Tại Hội nghị sơ kết vụ ĐX 2015-2016 và triển khai vụ HT năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức tại TP Quy Nhơn vào ngày 10.3, lãnh đạo các địa phương cũng đã thống nhất phương án tổ chức chỉ đạo sản xuất trong tình hình nắng hạn của Sở NN&PTNT. Cụ thể, chỉ đạo nông dân gieo sạ hết diện tích lúa đảm bảo đủ nước tưới theo kế hoạch, tập trung đầu tư thâm canh để đạt năng suất cao nhất. Đối với vùng sản xuất lúa chỉ đảm bảo nước tưới được một phần diện tích hoặc khả năng thiếu 1 - 2 đợt tưới vào cuối vụ sẽ được quản lý chặt chẽ, không để nông dân gieo sạ lúa tràn lan, ngoài kế hoạch, đảm bảo đủ nước tưới đến cuối vụ hoặc tưới chống hạn 1-2 đợt. Đối với diện tích có khả năng khai thác nước mặt, nước ngầm để tưới bổ sung, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa hoặc chỉ đạo nông dân gieo sạ các giống lúa cực ngắn ngày (thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày) để tiết kiệm nước, hạn chế thiệt hại do hạn thiếu nước gây ra. Đối với diện tích chân cao không có nguồn nước tưới có thể bố trí trồng mì rải vụ hoặc trồng mè. Nếu không chuyển đổi trồng được các loại cây trồng nói trên, chỉ đạo nông dân không sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát, gia cố hệ thống đập ngăn mặn, hạn chế nước biển xâm nhập vào đồng ruộng; bố trí lịch dẫn nước để nông dân có điều kiện thau chua, rửa mặn. Mặt khác, xác định khu vực dễ phát sinh cháy rừng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng; phòng chống dịch bệnh động vật và thủy sản…
PHẠM TIẾN SỸ