Khá lên nhờ biết cách trồng rau muống
Đó là ông Trần Đình Nho, ở thôn Trung Thành 2, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ. Năm 2015, năm đầu tiên ông Nho chuyển đổi cây trồng từ cây lúa, cây ớt sang trồng rau muống. Ông cho biết: Tôi trồng xoay vòng, cứ thu hoạch lúa xong tôi trồng rau muống. Sau 4 lứa cắt, đám này tàn, thì đám rau muống khác chuẩn bị cắt. Và cứ thế, tôi luân canh gối vụ rau muống trên nhiều chân đất khác nhau, đảm bảo liên tục có rau muống bán mỗi ngày.
Ông Nho thu hoạch rau muống. Ảnh: X.L
Theo ông Nho, từ khi gieo hạt đến ngày cắt lứa đầu tiên mất 30 ngày, còn các lứa 2 - 3 và 4 dao động từ 25 ngày trở lên, nhưng cũng không quá 30 ngày. Ông Nho chia sẻ: “Trước khi xuống hạt rau muống, phải bón lót phân chuồng hoai mục, tạo cho đất xốp, có chất dinh dưỡng ngay từ đầu, tỉ lệ rau muống nảy mầm cao, bén xanh ngay; rồi bón thúc NPK cân đối; cũng sử dụng đạm urê nhưng một lượng rất ít”.
Về tiêu thụ, không phải bán lẻ, mà ông Nho đã có các mối bán sỉ. Rau của vườn ông Nho được tiếng sạch, tươi xanh, giá cả lại phù hợp, nên được các mối mua đi, bán lại rất tin dùng. “Chi phí đầu tư không lớn, ngoài tiền giống chẳng là bao, một lần xuống hạt lại cắt được 4 lứa, nước tưới đã có đập Cây Kê, còn mùa nắng nóng thì đóng giếng, kéo điện, bơm tưới. Lấy công làm lời, cho dù mỗi bó rau đồng lời không bao nhiêu, nhưng năng nhặt chặt bị. Tính ra trồng rau muống thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa hay một số hoa màu khác trên cùng chân đất. Năm 2015, tổng thu của gia đình tui từ rau muống lên tới 60 triệu đồng, bình quân 5 triệu đồng/tháng, trên diện tích 12 sào luân canh lúa - rau muống - ớt”.
XUÂN LỘC