Cát Lâm phát triển kinh tế rừng
Những năm gần đây, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) đã đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, tạo nguồn thu nhập, nâng cao cuộc sống người dân.
Xã Cát Lâm có diện tích tự nhiên 6.942 ha, trong đó có 5.130 ha đất nông lâm nghiệp; do đất cát bạc màu nên sản xuất lúa và mì năng suất thấp. Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cho biết: Hơn 10 năm trở lại đây, Cát Lâm đã tập trung phát triển trồng rừng, và kinh tế rừng đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Ngoài diện tích cây điều hiện còn gần 315 ha, toàn xã có hơn 1.216 ha rừng trồng kinh tế, có khoảng 70% số hộ dân trong xã có trang trại hoặc làm kinh tế vườn rừng, trong đó có 3/5 thôn hầu như nhà nào cũng có vườn rừng với 2 loại cây trồng chủ yếu là keo lai, bạch đàn. Cứ mỗi chu kỳ khai thác 5-7 năm, thu nhập bình quân 1 ha rừng trồng đạt 80 - 120 triệu đồng.
Thu nhập từ rừng chiếm khoảng 60% tổng giá trị thu nhập của địa phương. Tiêu biểu như thôn Thuận Phong, trước đây là thôn nghèo nhất xã, hơn 10 năm trở lại đây nhờ phát triển trồng rừng, cuộc sống người dân đã khấm khá hơn. Xóm Thuận Hiệp có hơn 30 hộ, nhà nào cũng trồng rừng, hộ có diện tích rừng trồng ít nhất cũng hơn 1 ha.
Điều ghi nhận trong phát triển kinh tế rừng ở Cát Lâm là người dân đã chú trọng trồng rừng thâm canh; đã phá bỏ gần 700 ha cây điều kém hiệu quả để trồng rừng nguyên liệu giấy. Trong vài năm đầu sau khi chuyển đổi sang trồng rừng, xen canh các loại cây trồng cạn ngắn ngày như đậu phụng, mì, dưa hấu, ớt…, đem lại thu nhập khá, qua đó góp phần cải tạo đất, tăng độ phì cho đất, giúp cây trồng phát triển tốt hơn nhờ vào nguồn phân bón thâm canh các loại cây trồng cạn. Đồng thời, các tiến bộ KHKT về trồng rừng thâm canh cũng được đưa vào ứng dụng, thông qua các lớp tập huấn hướng dẫn của ngành nông nghiệp, các dự án được triển khai trên địa bàn xã, nhất là Dự án WB3.
Hiện nay hầu hết các hộ trồng rừng ở Cát Lâm đều có thu nhập khá, từ một trăm đến vài trăm triệu đồng mỗi năm, một số hộ có thu nhập từ 1 - 2 tỉ đồng/năm, như các ông Trần Văn Hùng, Nguyễn Tuấn ở thôn Thuận Phong; ông Phạm Thiên Định ở thôn Đại Khoan… Hộ nghèo trong xã giảm hơn 3% mỗi năm.
Phát triển trồng rừng và chăn nuôi dưới tán rừng, đàn gia súc gia cầm ở Cát Lâm tăng cả về số lượng và chất lượng; toàn xã hiện có đàn bò trên 3.400 con, 76% là bò lai, đàn heo gần 2.000 con và đàn gia cầm trên 36.000 con. Thu nhập từ làm kinh tế vườn rừng, kết hợp với chăn nuôi đã giúp không ít hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả và làm giàu.
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, trong thời gian đến, bên cạnh tổ chức giao khoán quản lý, bảo vệ 1.600 ha rừng phòng hộ, Cát Lâm tiếp tục phát triển kinh tế rừng; cùng với khai thác có hiệu quả hệ thống kênh mương thủy lợi, để nhân rộng hình thức xen canh cây trồng cạn, tạo ra giá trị thu nhập cao trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao mức sống người dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
HOÀI TRUNG