Ðưa vào sử dụng hệ thống kênh tưới Văn Phong giai đoạn 2:
Ðáp ứng nhu cầu chống hạn cho sản xuất nông nghiệp
Hệ thống kênh tưới Văn Phong (HTKTVP) (giai đoạn 2) đã hoàn thành, góp phần đảm bảo cung cấp nước tưới, đáp ứng nhu cầu chống hạn trong vụ Hè Thu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát.
HTKTVP vừa được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trên địa bàn xã Cát Trinh (huyện Phù Cát). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Đã hoàn thành 17 km kênh chính và 65 km kênh phụ
Theo Ban quản lý Dự án (BQL DA) HTKTVP, DA giai đoạn 2 có 17 km kênh chính và 65 km kênh phụ cấp 1. Sau khi đưa vào khai thác, sử dụng, HTKTVP đảm bảo cung cấp nước tưới cho trên 10.000 ha lúa, hoa màu ở các xã Bình Thuận, Bình Thành, Bình Tân, Bình Hòa, Tây Vinh, Tây An, Tây Bình (huyện Tây Sơn), Nhơn Mỹ, Nhơn Thành (TX An Nhơn), Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Tân, thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát). Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 của DA là 220 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Để hoàn thành HTKTVP, thời gian qua, BQL DA đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương triển khai nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích đất có hệ thống kênh đi qua, đảm bảo đủ điều kiện để triển khai thi công thuận lợi. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã bố trí cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt tại hiện trường để giám sát chất lượng công trình theo đúng các quy định hiện hành; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức giám sát công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện. Nhờ vậy, việc thi công hệ thống kênh đã hoàn thành đúng đồ án thiết kế, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, đủ điều kiện để đưa vào khai thác sử dụng.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc BQL DA HTKTVP- đơn vị chủ đầu tư công trình - cho biết: “Theo kế hoạch ban đầu, DA này thi công đến cuối năm 2016 mới hoàn thành, song do tính cấp bách trong việc chống hạn cho các xã phía Bắc huyện Tây Sơn, phía Tây TX An Nhơn và phía Nam huyện Phù Cát, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo phải thi công hoàn thành hệ thống kênh chính và kênh cấp 1 để phát huy hiệu quả công trình, phục vụ nhu cầu tưới cho sản xuất nông nghiệp trong vụ Hè Thu 2015 - 2016”.
Đáp ứng yêu cầu chống hạn
Ông Nguyễn Bá Quyền, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi 2 thuộc Công ty TNHH Khai thác thủy lợi Bình Định, cho hay: Hiện nay, đơn vị đã tiếp nhận và đưa vào khai thác vận hành 17 km kênh chính và 44 km kênh nhánh cấp 1 để tưới cho gần 1.700 ha lúa và hoa màu tại các xã trên địa bàn huyện Phù Cát. Trong điều kiện hạn hán kéo dài, nguồn nước tưới tại địa phương thiếu hụt, đưa nước từ hồ Định Bình qua đập dâng Văn Phong về HTKTVP đã giúp các địa phương vùng hưởng lợi của DA thoát khỏi tình trạng hạn hán. Dự kiến trong tháng 3 này, đơn vị chủ đầu tư sẽ bàn giao tiếp 21 km kênh nhánh để xí nghiệp quản lý, vận hành, phục vụ tưới cho khoảng 3.861 ha lúa vụ Hè Thu trên toàn địa bàn huyện Phù Cát. Bên cạnh đó, HTKTVP còn góp phần đưa nước từ đập dâng Văn Phong để tạo nguồn, tiếp nước cho hệ thống kênh tưới La Tinh, phục vụ chống hạn cho các xã phía Nam huyện Phù Mỹ trong vụ Hè Thu năm nay.
Ông Phạm Như Thế, nông dân ở đội 4, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát), phấn khởi bộc bạch: “Lâu nay, bà con chúng tôi luôn ước ao có hệ thống kênh mương để cung cấp nước tưới cho đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bây giờ, khi tận mắt chứng kiến HTKTVP được xây dựng hoàn chỉnh đi qua địa bàn xã, bà con ai cũng vui mừng. Lâu nay, nhiều diện tích đất sản xuất ở địa phương do không có nước tưới nên bà con chỉ sản xuất độc canh 1 vụ lúa hoặc hoa màu rồi bỏ hoang. Giờ đây, hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố, người dân hết nỗi lo bị thiếu nước sản xuất, bà con sẽ tổ chức thâm canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong vụ Hè Thu này, gia đình tôi chuyển 5 sào đất sản xuất lúa bấp bênh sang trồng bắp lai và đậu phụng mà không lo thiếu nước”.
Chung niềm vui, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ nhiệm HTXNN1 Cát Trinh, chia sẻ: “Trước khi có HTKTVP, nhiều diện tích đất ở đây chỉ trồng được cây mì, cây mè rồi bỏ hoang do thiếu nước tưới. Bây giờ, hệ thống kênh tưới được xây dựng hoàn chỉnh, bà con trên địa bàn HTX đã chuyển sang trồng các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao như đậu phụng, ớt, bắp lai… để tăng thu nhập, cải thiện đời sống!”.
Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, khẳng định: Việc đưa vào khai thác, sử dụng HTKTVP giai đoạn 2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của địa phương. Đặc biệt, trong tình hình hạn hán được dự báo sẽ rất căng thẳng trong vụ Hè Thu, HTKTVP hứa hẹn sẽ đáp ứng được yêu cầu chống hạn tại địa phương. Hiện nay, huyện Phù Cát đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý, khai thác thủy lợi, chính quyền các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích lúa và cây trồng cạn, thành lập các tổ thủy nông để kịp thời đưa nước từ hệ thống kênh chính, kênh cấp 1 HTKTVP phục vụ tưới cho lúa và hoa màu của người dân, cung cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc. Trong vụ Hè Thu này, huyện Phù Cát sẽ chủ động nguồn nước tưới cho 5.800 ha lúa, 600 ha đậu phụng, 500 ha bắp, 500 ha ớt, 300 ha dưa, 180 ha hành, 700 ha rau màu…; đồng thời, đảm bảo nguồn nước cho nuôi trồng thủy sản tại các xã khu Đông của huyện.
HTKTVP (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) có tổng chiều dài 170 km, tổng vốn đầu tư 711 tỉ đồng. Trong đó, hệ thống kênh chính dài 34 km, kênh nhánh các loại dài 136 km. Sau khi bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng, HTKTVP đảm bảo tưới cho 10.125 ha lúa và hoa màu, trong đó, tưới tự chảy 6.844 ha và tạo nguồn 3.281 ha.
NGUYỄN HÂN