Nét đẹp trong nghi thức rước dâu của người Bana K’riêm
Ðám cưới truyền thống của người Bana K’riêm ở huyện Vĩnh Thạnh là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo mang đặc trưng riêng. Ðám cưới trải qua khá nhiều phân đoạn và nghi thức khác nhau, trong đó nghi thức rước dâu giữ một vị trí quan trọng.
Nghi thức rước dâu trong một đám cưới của người Bana K’riêm ở làng K8 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh).
Nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người Bana trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT&DL đã thực hiện dự án văn hóa phi vật thể về đề tài “Đám cưới cổ truyền của người Bana K’riêm, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định”. Đề tài đã hoàn thành và nghiệm thu năm 2015. Trong quá trình tham gia thực hiện đề tài, chúng tôi đã tìm đến các làng đồng bào dân tộc Bana K’riêm ở xã vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, để tìm hiểu tiến trình diễn biến của một đám cưới truyền thống. Qua đó, nhận thấy nghi thức rước dâu chính là điểm nhấn quan trọng nhất.
Ngay từ đầu giờ chiều, đội hình cồng chiêng và đội múa đã tập trung tại đoạn đường gần cổng nhà cô dâu. Những cô gái vừa đi vừa múa uyển chuyển theo nhịp cồng chiêng. Tham gia đội hình rước dâu còn có Pơ rak, nhân vật nam hóa thân của một già làng do một người đàn ông vui vẻ, có năng khiếu diễn xuất trong làng vào vai; còn nhân vật nữ Pơ man là hóa thân của một con ma xấu xí.
Hai nhân vật Pơ rak và Pơ man thường đi đầu đoàn rước và thể hiện những vũ điệu gây cười cho những người tham gia đoàn rước dâu. Thỉnh thoảng Pơ rak dùng gậy đánh vào người Pơ man, tượng trưng cho việc xua đuổi tà ma để đám rước được an toàn cho đến khi về nhà trai. Khi đoàn rước đi ngang qua cổng nhà cô dâu thì cô dâu và đoàn người nhà gái nhập vào phía sau đoàn rước. Lúc này cô dâu phải đeo sẵn một gùi bó củi sau lưng để đem về nhà chồng làm lễ vật ra mắt. Đi kèm hai bên cô dâu còn có hai thiếu nữ bên nhà gái cũng gùi củi. Điều này thể hiện sự siêng năng, làm nương rẫy giỏi của cô dâu.
Một phong tục độc đáo liên quan đến nghi thức này là cô dâu trong đám cưới phải mặc bộ trang phục cũ, thậm chí là bị rách cũng được. Theo quan niệm của bà con thì mặc như vậy chú rể sẽ thấy bình thường, như thế thì khi về làm dâu rồi, trở thành vợ chồng rồi, chú rể sẽ thấy vợ mình thật đẹp khi ăn mặc những bộ đồ mới của ngày thường. Điều này giúp cho quá trình chung sống vợ chồng sau này được bền chặt hơn.
Khi cô dâu về đến cửa nhà trai thì sẽ phải tiến hành một nghi thức trước khi bước vào nhà, đó là lễ cô dâu bước qua cửa. Lúc này có một người nhà trai sẽ giăng một sợi chỉ trắng ngang bậc cửa để cô dâu bước một chân qua, thầy cúng sẽ giữ lấy bàn chân cô dâu, đưa một bát nước, một nến sáp ong thắp sáng đọc lời cúng rồi cô dâu mới được bước vào nhà. Nghi thức cúng xong thì cha chú rể sẽ đón tay cô dâu dắt vào trong nhà. Đoàn nhà gái khi qua cửa thì phải uống một cốc tre rượu của chiếc cần câu rượu rồi mới được vào nhà. Lễ rước dâu được đánh dấu kết thúc bằng nghi lễ những người nhà gái đều được người nhà trai mời một miếng trầu cau…
NGUYÊN VIỆT