Hành trình thơ từ nguồn cảm hứng quê hương
Tôi lần đầu đọc thơ của Văn cách đây gần một năm. “Bình minh như một giấc mơ” là bài thơ đầu tiên của Văn được đăng báo, trên trang Sáng tác của báo Bình Ðịnh số ra ngày 23.3.2014. Từ đó đến nay, Văn đã có những bước tiến vững chắc trên hành trình thơ của riêng mình.
Bìa tập thơ “Quen và lạ” của Trần Võ Thành Văn.
1.
Trần Võ Thành Văn là bút danh của Trần Võ Thành. Vào TP Hồ Chí Minh học tập và làm việc từ năm 2004 đến nay, nhưng chàng trai 30 tuổi chưa bao giờ thôi đau đáu về quê nhà - xứ Cát Hải (Phù Cát) đầy cát và nắng.
Văn chia sẻ rằng, khi bắt đầu đến với thơ, anh mới thấu hiểu, quê hương là nguồn nguyên liệu dồi dào, sống động nhất. Đó là quê hương của kẻ xa nhà, quê hương với đồng khô nắng cháy, với biển âm giai và màu xanh núi rừng gợi cảm tượng hình. Là nơi gắn liền với ký ức về mái nhà, mẹ cha và những đứa em thơ. Mặt trời lên/ lệch vùng phố lạ/ hỏi thăm mình chao chát nắng quê hương/ con gà gáy đánh ran màn trời tối/ Cha vá áo sương/ Mẹ ngồi nhóm bếp/ con mèo đen mắt ròng hai cục lửa/ ngực bình minh thiêm thiếp chân trời (Bình minh như một giấc mơ).
2.
Thời phổ thông, Văn học ban tự nhiên và đến giờ cũng chưa hề qua trường lớp văn chương nào. Tự nhận có ít khiếu văn chương, nhưng Văn không chú ý nhiều đến nó và cũng không chọn nó làm hành trang nghề nghiệp cho tương lai. Việc đến với thơ là duyên phận bất ngờ. Anh bắt đầu viết từ giữa năm 2012, khi dùng facebook, tiếp xúc với những bạn viết nghiệp dư ở đó. Văn tập tành làm thơ bằng việc tham gia họa thơ ngắn cùng bạn bè facebook. Cứ tưởng đó chỉ là thú tiêu khiển, nhưng vô tình lại khiến sự yêu thích dành cho thơ của anh cứ lớn dần. Văn bảo, khoảng thời gian ban đầu ấy và những bạn bè ấy sẽ là kỷ niệm đẹp, trong trẻo, vô tư nhất trên suốt hành trình thơ của mình.
Mới viết, nhưng Văn đã có thơ đăng đều đặn ở nhiều nơi. Và, dấu mốc quan trọng đầu tiên trên hành trình thơ của anh là sự ra đời của tập thơ đầu tay “Quen và lạ” vào cuối năm 2015. Tập thơ gồm 40 bài, không phải là một tập hợp ngẫu nhiên từ nhiều bài lẻ tẻ, mà mang chủ ý của anh với những góc nhìn mở, những ấn tượng rất riêng về cuộc sống của một người trẻ được thể hiện qua từng từ, từng chữ chắt chiu, nghiêm cẩn.
Đáng chú ý, Trần Võ Thành Văn và Ngô Thúy Nga (với tập “Nốt lặng”) là 2 cây bút trẻ đầu tiên được Quỹ Văn trẻ của Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) tài trợ kinh phí để in thơ. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh Phan Hoàng cho rằng, cả hai đều có một nền tảng kiến thức vững chắc, và thơ của họ cũng vượt khỏi sự xô bồ dễ dãi, đồng thời cũng thoát khỏi những vần vè xưa cũ, gắn với đời thường và nói được tiếng nói của thế hệ mình. Còn nhà văn Trần Nhã Thụy - Trưởng ban Nhà văn trẻ, nhận định rằng, Trần Võ Thành Văn trong tập thơ đầu tay của mình như “đang có một mùa gặt trên cánh đồng quê cũ, những cảm hứng về quê hương, núi rừng, kỷ niệm, nguyên quán”.
Theo nhà thơ Khổng Vĩnh An Vy - người anh cùng quê của Văn, ẩn trong “lạ hóa” về ngôn ngữ, cấu tứ và biểu đạt trong “Quen và lạ”, người đọc còn nhận ra một tâm hồn nhạy cảm, giàu suy tư: Chiều trở dạ nứt cọng buồn dưới cỏ/ Chiều lạ hơn những chiều bữa trước… (Bầu trời dưới cỏ). Hay đã xác xơ mưa phùn phiến cũ/ đã trầm tư vạt sáng cuối cùng/ người neo lại điều gì sau bóng hạt/ sau mép vồng ký ức hắt hiu trôi (Tiếng côn trùng đêm cũ).
3.
Chập chững cầm bút, Trần Võ Thành Văn làm thơ vần, lục bát... Về sau, anh nghiêng hẳn về thơ tự do - thể loại mà anh lựa chọn để đeo đuổi. Anh bảo, đến một ngày nào đó, khi mình trưởng thành hơn, vốn sống đủ đầy hơn thì đề tài trong thơ mình sẽ không chỉ là quê hương, tình yêu, mà sẽ mang “tính luận” và đề cập những vấn đề vĩ mô hơn. Và như thế, hành trình thơ của chàng trai Cát Hải này mới chỉ bắt đầu.
Dáng người chẳng mảnh mai, chẳng “thi sĩ” chút nào. Tôi hỏi, làm thơ có biến Văn thành người “mơ trăng, mơ hoa” không. Anh cười giòn tan: “Tôi có công việc, cuộc sống và quan niệm rằng thực tế cuộc sống hoàn toàn tách rời văn chương!”.
MAI LÂM