Viêm não mô cầu - vài điều cần biết
Hiện nay, cả nước đã phát hiện 3 ca viêm não mô cầu, trong đó có 1 ca ở Hải Dương tử vong, 2 ca được điều trị ở Viện Nhiệt đới Trung ương đã ổn định. Ðến thời điểm này, Bình Ðịnh chưa ghi nhận ca nào.
Viêm não mô cầu là bệnh do vi khuẩn não mô cầu nhóm C (Neisseria meningitidis) gây ra. Đây là bệnh tuy ít gặp nhưng lây lan nhanh, có khả năng phát triển thành dịch vì lây qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi đông người. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua đồ dùng hàng ngày như ly, tách, điện thoại. Tất cả mọi người khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh nhất.
Vi trùng não mô cầu khi thâm nhập cơ thể có thể đi đến nhiều cơ quan và gây bệnh ở đó. Vi khuẩn đến họng gây viêm họng, vào máu gây nhiễm trùng huyết, vào màng não thì gây viêm màng não mủ. Hai thể bệnh hay gặp nhất là nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ. Triệu chứng sớm là sốt cao 39-400C, buồn nôn và nôn, cáu gắt, ăn không ngon hoặc bỏ ăn, đau đầu, chóng mặt, đau họng, chảy nước mũi. Triệu chứng đặc hiệu (xuất hiện muộn) là xuất hiện ban đỏ vùng da mỏng, đầu chi, cứng gáy, đau cổ, co cứng, sợ ánh sáng, mê sảng, lú lẫn, co giật kiểu động kinh, mất ý thức, rối loạn cảm giác.
Triệu chứng phân biệt bệnh não mô cầu với những bệnh khác chính là tử ban (mảng xuất huyết có hoại tử ở trung tâm), tử ban này lan nhanh về số lượng cũng như kích thước. Khi tử ban lan nhanh thì rất nặng, có thể tử vong trong vài giờ.
Bệnh viêm não mô cầu có những biến chứng nặng nề như rối loạn tâm thần, chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt, động kinh. Người bệnh có thể phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân do xuất huyết hoại tử gây ra. Bệnh có thể biến chứng sang nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm khớp, suy tuyến thượng thận. Do tính chất nghiêm trọng và tiến triển nhanh của bệnh, cần điều trị ngay khi nghi ngờ, hoặc chuyển cấp cứu lên tuyến trên. Lấy ngay các bệnh phẩm cần thiết (cấy máu, dịch não tủy…) sau đó điều trị ngay không chờ kết quả.
Điều trị nguyên nhân: kháng sinh Penicilline G là tốt nhất khi biết chắc chắn là não mô cầu. Khi không phân biệt được với các nguyên nhân khác thì dùng ngay Cephalosporine thế hệ ba như Cefotaxime hay Ceftriaxone. Điều trị sốc (nếu có), thở oxy, dịch truyền, hỗ trợ tim mạch.
Hiện nay ở Việt Nam, Bộ Y tế cấp phép cho 2 loại vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu. Thứ nhất là vắc-xin phòng 2 týp vi khuẩn A và C có tên thương mại là Meningo AC do Pháp sản xuất, tiêm 2 mũi cách nhau 3 năm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Thứ hai là vắc-xin phòng 2 týp vi khuẩn B và C có tên thương mại là VA-MENGOC-BC do Cuba sản xuất, tiêm 2 mũi mỗi mũi cách nhau 6-8 tuần cho trẻ 6-10 tuổi.
Viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây, vì vậy mọi người cần thực hiện tốt một số biện pháp sau: vệ sinh cá nhân tốt; vệ sinh nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vắc-xin. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
BS NGUYỄN THỊ THU OANH