Tăng cường bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng
Sáng 16.3, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVPTR&PCCCR). Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương đánh giá đúng thực trạng công tác BVPRT&PCCCR trên địa bàn tỉnh, xây dựng và triển khai phương án BVPTR&PCCCR hiệu quả trong tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài.
Ngành chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn các chủ rừng thực hiện phương án chữa cháy rừng.
Thực trạng đáng lo ngại
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh tại Hội nghị cho thấy, năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tại Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn... có trên 213 ha rừng bị chặt phá, tăng hơn 154 ha so với năm 2014. Toàn tỉnh có trên 333 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, nhiều nhất là huyện An Lão có hơn 115 ha, Vân Canh trên 134 ha. Đáng lo ngại là nhiều đối tượng đã vào rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lấn chiếm đất rừng sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, làm ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi và hệ sinh thái rừng.
Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép cũng xảy ra phổ biến. Qua các đợt tuần tra, truy quét, Hạt KL các địa phương phát hiện và tạm giữ hơn 65 m3 gỗ các loại; nhiều phương tiện, dụng cụ sử dụng để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Ngoài ra, Hạt KL các địa phương còn tiêu hủy gần 24 m3 gỗ các loại, 221 lò hầm than và 36.240 kg than, 50 lán trại, 131 bẫy thú rừng. Cháy rừng cũng đã xảy ra 25 vụ tại 8/11 huyện, thị xã, thành phố, gây thiệt hại hơn 114 ha rừng.
3 tháng đầu năm 2016, nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp cũng đã bị xâm hại. Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT đã lập biên bản 82 vụ vi phạm Luật BVPTR, tạm giữ hơn 72 m3 gỗ các loại và nhiều phương tiện, dụng cụ sử dụng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Ngành chức năng của tỉnh cũng đã hủy hơn 3,3 m3 gỗ, 41 lò than, 9.650 kg than hầm, 19 lán trại…
Theo ông Bùi Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, sở dĩ tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép ở An Lão còn diễn biến phức tạp là do đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về việc quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, nên họ vào rừng đốt rừng làm nương rẫy. Mặt khác, lợi nhuận khá cao của một số loại lâm sản quý đã thu hút nhiều người vào rừng khai thác. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng cây lấy gỗ của người dân hiện nay rất lớn, bộc phát và lan rộng ở nhiều địa phương. Trong khi đó, công tác quản lý đất lâm nghiệp của các xã, thị trấn chưa tốt; việc xử lý các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép còn thiếu kiên quyết.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh cho rằng, một số Hạt KL và KL địa bàn chưa làm tốt nhiệm vụ được giao, chưa thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hanh kéo dài, nhiệt độ cao hơn mức trung bình nhiều năm gây khó khăn cho công tác PCCCR. Việc xử lý vi phạm của ngành chức năng, chính quyền các địa phương đối với các đối tượng vi phạm Luật BV&PTR còn thiếu kiên quyết, hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, lực lượng KL mỏng, trong khi diện tích rừng lớn và kinh phí tổ chức tuần tra, truy quét lâm tặc còn hạn chế nên công tác BVR&PCCR gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường các biện pháp BVR&PCCCR
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ BVR&PCCCR năm 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã phân tích và chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong công tác BVR&PCCCR thời gian qua, đồng thời yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp BVR&PCCCR. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác giao khoán cho người dân quản lý, BVR, khoanh nuôi tái sinh rừng. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về ý thức BVR&PCCCR, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiện toàn, chấn chỉnh lại Ban quản lý rừng phòng hộ tại các địa phương; huy động lực lượng đủ mạnh thường xuyên tuần tra, truy quét các đối tượng xâm phạm rừng, nhất là đối với các khu rừng giáp ranh giữa các địa phương, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm Luật BV&PTR. Yêu cầu ngành Nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng chủ động xây dựng và thực hiện phương án PCCCR trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật liệu tại chỗ, kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh.
Đề cập đến công tác BVR&PCCCR của ngành Nông nghiệp tỉnh trong năm 2016, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BV&PTR cho người dân sống gần rừng. Phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng KL phụ trách địa bàn trong công tác giáo dục người dân có ý thức, trách nhiệm BVR&PCCCR. Yêu cầu các chủ rừng (Công ty TNHH lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp, cá nhân trồng rừng) phải tăng cường trách nhiệm bảo vệ tốt diện tích rừng được Nhà nước giao, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép lâm sản trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, đầu nguồn.
Đối với công tác PCCCR, trong điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài khi bước vào mùa hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động triển khai các biện pháp PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR phân công lực lượng thường trực sẵn sàng ứng phó với cháy rừng; nắm chắc các vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng và chủ động triển khai các phương án PCCCR để có biện pháp bố trí, triển khai lực lượng chữa cháy khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
PHẠM TIẾN SỸ