Rừng phòng hộ hồ Vạn Ðịnh (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ):
Rừng bị tàn phá, xã không hay (!)
Vài tháng nay, rừng phòng hộ thuộc hồ chứa nước Vạn Ðịnh (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) đã bị tàn phá nghiêm trọng. Ðiều đáng nói, hiện tượng này diễn ra công khai, kéo dài, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, giải quyết, khiến dư luận địa phương bất bình.
“Húi trọc” rừng
Trung tuần tháng 3.2016, chúng tôi có mặt tại thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc. Từ QL 1A, men dọc theo tuyến đường liên thôn dẫn về hồ Vạn Định, chỉ bằng mắt thường chúng tôi đã thấy hàng chục khoảnh rừng tự nhiên nằm xung quanh khu vực lòng hồ bị đốn hạ công khai, táo tợn.
Tiếp tục vào sâu khu vực đầu nguồn hồ Vạn Định - khu vực phía Tây- chúng tôi thấy nhiều vạt rừng rộng nhiều héc-ta đã bị đốn hạ không thương tiếc. Phía Tây Bắc và Tây Nam lòng hồ có thêm hàng ngàn mét vuông rừng tự nhiên cũng bị người dân chặt phát trắng. Đến nay, số diện tích này được dọn thực bì, trồng keo lai. Thời điểm bắt đầu việc chặt phá rừng phòng hộ đã diễn ra khá lâu, bởi cây trồng đã lên xanh.
Một cán bộ quản lý hồ Vạn Định (thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc), cho biết: Tình trạng người dân chặt, đốn rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp xuất hiện từ đầu tháng 11.2015 đến nay. Mỗi ngày có khoảng 20 - 30 người ở thôn Vạn Định vào rừng chặt phá, khai thác củi và đốt thực bì trồng rừng kinh tế một cách công khai. Cả vùng rừng tự nhiên rộng lớn trở nên tan hoang, trơ trụi thấy mà đắng lòng. Địa phương biết chuyện nhưng ngó lơ để mặc ai nấy phá rừng, chiếm đất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn Vạn Định là nơi giữ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho hàng ngàn hộ dân ở địa phương và khoảng 100 ha đất nông nghiệp. Nếu tình trạng phá rừng không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa những cánh rừng xanh nơi đây chỉ còn lại những mảng đồi trọc, trơ trụi đá.
Chính quyền xã không nắm bắt vụ việc(!)
Rừng phòng hộ thuộc hồ chứa nước Vạn Định bị chặt phá trái phép chỉ cách trụ sở UBND xã Mỹ Lộc khoảng 2km, song chính quyền địa phương lại không hề hay biết.
Ngày 14.3, trao đổi với phóng viên về vụ việc này, ông Phan Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, tỏ vẻ khó chịu và thiếu trách nhiệm: “Chủ tịch thì đâu phải chuyện gì cũng ôm. Bây giờ, sổ sách, số liệu liên quan về chuyện này cán bộ chuyên môn nắm… Với lại, diện tích rừng bị phá luôn biến động, nên thời điểm khác tôi trả lời, anh (phóng viên - NV) thông cảm!”.
Chúng tôi tiếp tục gặp ông Lê Văn Phi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ. Ông Phi cho biết: “Chuyện người dân thôn Vạn Định đổ xô chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong khu vực lòng hồ Vạn Định là có. Qua kiểm tra, đo đạc, chúng tôi xác định bước đầu có 18 ha rừng phòng hộ bị chặt phá và đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 131 đã bị lấn chiếm trái phép để trồng cây. Trong đó, có 11,25 ha rừng phòng hộ trạng thái IIA do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý và 6,75 ha đất lâm nghiệp do UBND xã Mỹ Lộc quản lý”.
Ông Phi chỉ rõ: Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Lộc chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được ngành chức năng phân cấp quản lý. Hơn nữa, khi phát hiện tình trạng người dân vào rừng chặt phá, trồng rừng kinh tế, 2 đơn vị này lại phản ứng quá chậm, thậm chí, không có động thái ngăn chặn, khiến cho tình hình phá rừng thêm phức tạp.
Đề cập hướng xử lý, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, nhấn mạnh: “Huyện vừa chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và UBND xã Mỹ Lộc khẩn trương lập kế hoạch, lên phương án nhổ bỏ toàn bộ cây trồng trái phép trên diện tích đất lấn chiếm. Đồng thời, xác minh làm rõ các đối tượng tham gia phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật. Thời điểm 30.3.2016 là hạn chót để giải quyết dứt điểm vấn đề này”.
Có thể thấy, để xảy ra thực trạng người dân đổ xô phá rừng phòng hộ hồ Vạn Định có phần buông lỏng quản lý từ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Lộc. Đáng trách hơn, người dân địa phương đổ xô chặt phá rừng tự nhiên, công khai lấn chiếm đất, song chính quyền xã Mỹ Lộc thiếu trách nhiệm, chưa có động thái ngăn chặn, xử lý là không chấp nhận được.
Báo Bình Định sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc về việc xử lý nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nghiêm trọng này.
TRỌNG LỢI