Thuế tiêu thụ đặc biệt làm khó doanh nghiệp
Cách tính thuế chưa hợp lý, thời gian áp dụng gấp, là 2 bức xúc được doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo về những vướng mắc trong thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) do Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp tổ chức ngày 16.3.
Doanh nghiệp than cách tính thuế phức tạp, trái luật Theo Luật Thuế TTĐB năm 2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB năm 2014, giá tính thuế TTĐB với hàng hóa là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Thế nhưng, Nghị định 108 và Thông tư 195 (ban hành lần lượt tháng 10 và 11-2015) quy định chi tiết và hướng dẫn các luật trên thì giá tính thuế nếu bán qua công ty con là giá bán ra của công ty con. Những nội dung hướng dẫn này không có trong luật hiện hành mà đang được đưa vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB sắp tới trình ra Quốc hội. Chính vì vậy, theo Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn, cơ sở pháp lý của việc thay đổi cách xác định giá tính thuế tại Nghị định 108 là chưa đảm bảo. Cụ thể về các vướng mắc, theo Nghị định 108 và Thông tư 195 thì: “Giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán ra nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra” và “Cơ sở kinh doanh thương mại quy định tại điểm này là cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất”. Theo VBA, với quy định này thì giá tính thuế TTĐB cuối cùng sẽ được tính dựa theo giá bán ra của công ty phân phối có quan hệ công ty mẹ, công ty con đối với công ty sản xuất và không được cao hơn 7% so với giá công ty sản xuất bán ra. Việc quy định này đem lại một số khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là vai trò của các hệ thống thương mại trong doanh nghiệp, tập đoàn bia là rất quan trọng, giúp nhà sản xuất chuyên tâm vào sản xuất. Với mức quy định trần trước đây là 10% thì các doanh nghiệp phân phối có quan hệ công ty mẹ, con với công ty sản xuất được cho là đủ để có thể trang trải các chi phí. Tuy nhiên, khi giảm xuống 7% như quy định hiện nay thì các doanh nghiệp này sẽ không thể đảm bảo được việc bù đắp các chi phí, giảm sút doanh thu, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, việc thực hiện quyết toán thuế theo Thông tư 195 là sẽ rất khó thực hiện, khi các sản phẩm được bán ra khỏi các cơ sở sản xuất thì theo các quy định hiện hành, các sản phẩm đã bán ra thuộc quyền sở hữu của công ty con và công ty mẹ chỉ còn quyền sở hữu thương hiệu. Việc tính thuế theo giá bán ra của cơ sở thương mại cuối cùng vốn để tạo ra hiệu quả thu thuế tốt nhất lên các công ty sản xuất sẽ vô hình trung đồng nhất hóa hai quyền sở hữu thương hiệu và sở hữu tài sản. Do đó, quy định này là không hợp lý. Cần lùi thời gian thực hiện Trước những khó khăn trong thực thi, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ điều chỉnh cách tính thuế cho phù hợp. Trong trường hợp không điều chỉnh được thì đề nghị lùi thời gian thực hiện Nghị định 108, Thông tư 195 đến ngày 1-1-2017 để doanh nghiệp có thời gian tổ chức lại sản xuất và hệ thống phân phối, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, những quy định trong việc tính thuế TTĐB đã làm khó cho doanh nghiệp ngành bia, rượu, thuốc lá. Đặc biệt trong bối cảnh Luật Thuế TTĐB năm 2014 đã quy định từ 1-1-2016 thuế suất thuế TTĐB với bia tăng thêm 5% (lên 55%). Hai chính sách thuế mới này đã làm cho doanh nghiệp tăng chi phí và họ cần phải xây dựng một kế hoạch dài hạn 3 năm tới để hoạt động hiệu quả hơn. “Chúng tôi đề nghị lùi thời gian thực hiện sang 1-1-2017 vì quá gấp và khó khăn trong thực hiện”, ông Linh nói. Quan điểm lùi cũng nhận được sự đồng thuận từ VBA. Hầu hết các thành viên của hiệp hội cho rằng, bên cạnh việc cần có sự điều chỉnh cách tính thuế thì hành động quan trọng hiện nay là nên lùi thời hạn thực hiện đến 1-1-2017 để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, ít có văn bản pháp luật nào có sự phản hồi thường xuyên dày đặc như Nghị định 108 và Thông tư 195. Và, khi xây dựng các văn bản này, VCCI đã tổ chức nhiều tọa đàm, họp cùng các Tài chính, Tư pháp và có ý kiến rõ ràng. “Nhà nước ban hành chính sách cũng phải tuân thủ thông lệ quốc tế, lộ trình áp dụng có thể chấp nhận được. Hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh, tập hợp các vướng mắc gửi thì các cơ quan như Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng sẽ cân nhắc và có bước chuyển đổi thích hợp”, ông Tuấn nói.
Theo NGỌC QUANG (SGGPO)