Quyết định số 21/2016/QÐ-UBND: “Gỡ khó” cho Văn phòng Ðăng ký đất đai
Gần 3 tháng đi vào hoạt động theo mô hình mới, bên cạnh những kết quả đạt được, Văn phòng Ðăng ký đất đai (VP ÐKÐÐ) một cấp vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Quyết định (QÐ) số 21/2016/QÐ-UBND của UBND tỉnh vừa ban hành sẽ là cơ hội để VP ÐKÐÐ củng cố, hoàn thiện, góp phần thực thi Luật Ðất đai ngày càng hiệu quả. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Hiến, Phó Giám đốc Sở TN-MT, quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết một số hoạt động của VP ĐKĐĐ thời gian qua?
- VP ĐKĐĐ một cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2016. Qua thời gian hoạt động theo mô hình mới, VP ĐKĐĐ đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai trên địa bàn. Trong đó có nhiều nội dung, như thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất và chỉnh lý biến động về đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; lập và quản lý hồ sơ địa chính…
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, VP ĐKĐĐ tỉnh đã lập thủ tục trình ký cấp GCN QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký biến động, đăng ký giao dịch bảo đảm 6.366 hồ sơ. Trong đó, đất của các tổ chức là 570 hồ sơ, đất hộ gia đình, cá nhân là 5.796 hồ sơ. Về đất của tổ chức, đã giải quyết cấp 209 GCN QSDĐ, QSHNƠ và tài sản gắn liền với đất, chỉnh lý biến động 109 hồ sơ, đăng ký giao dịch bảo đảm 193 hồ sơ, hợp đồng thuê đất 59 hồ sơ. Về hộ gia đình, cá nhân, các chi nhánh đã chuyển về VP ĐKĐĐ gần 1.000 hồ sơ (cấp đổi, cấp lại, cấp tách thửa đất) và Sở TN-MT đã ký giải quyết cho nhân dân trên 800 hồ sơ.
Tuy đạt được một số kết quả, song hoạt động của VP ĐKĐĐ một cấp vẫn còn một số khó khăn, vẫn còn xảy ra tình trạng một số hồ sơ bị chậm trễ. Nguyên nhân là do bước đầu vận hành theo mô hình mới nên bộ máy tổ chức đang trong quá trình củng cố và hoàn thiện. Quy trình luân chuyển hồ sơ cấp GCN QSDĐ, QSHNƠ và tài sản gắn liền với đất giữa VP ĐKĐĐ tỉnh và 11 chi nhánh vẫn chưa thực sự nhịp nhàng, ăn ý. Bộ máy tổ chức ở một số chi nhánh VP ĐKĐĐ huyện, thị xã vẫn còn thiếu và có phần hạn chế về năng lực. Ngoài ra, sự phối hợp giữa VP ĐKĐĐ và các sở, ngành còn thiếu đồng bộ.
Các tổ chức, cá nhân giao dịch tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh.
* Được biết, UBND tỉnh vừa ban hành QĐ số 21/2016/QĐ-UBND có liên quan đến công việc của VP ĐKĐĐ, ông có thể cho biết nội dung chủ yếu của Quyết định này?
- Đúng vậy. Đó là Quyết định ban hành Quy chế phối hợp thực hiện ĐKĐĐ, tài sản gắn liền với đất; cấp GCN QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
Quy chế quy định cơ chế, trách nhiệm, nguyên tắc, nội dung, hình thức phối hợp, trình tự, thủ tục và thời gian thực hiện giữa VP ĐKĐĐ thuộc Sở TN-MT (bao gồm cả chi nhánh VP ĐKĐĐ tại 11 huyện, thị xã, thành phố) với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ĐKĐĐ, tài sản gắn liền với đất; cấp GCN QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng áp dụng của Quy chế này gồm: VP ĐKĐĐ cấp tỉnh và các Sở: TN-MT, Xây dựng, NN-PTNT, Tài chính, Tư pháp, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và Cục Thuế tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; cơ quan quản lý các lĩnh vực: nhà ở, công trình xây dựng, nông nghiệp, TN-MT thuộc UBND cấp huyện; chi cục thuế cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn; người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. QĐ 21 có hiệu lực từ ngày 18.3.2016.
* Vậy sự phối hợp giữa VP ĐKĐĐ với các sở, ngành, địa phương được quy định như thế nào?
- Sự phối hợp giữa VP ĐKĐĐ với các sở, ngành, địa phương được Quy chế quy định với những nội dung rất cụ thể: Phối hợp trong công tác ĐKĐĐ, tài sản gắn liền với đất, cấp GCN cho tổ chức, cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; cấp đổi, cấp lại GCN, GCN QSHNƠ, GCN quyền sở hữu công trình xây dựng; phối hợp trong đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp bổ sung tài sản gắn liền với đất.
Trong mỗi nội dung trên đều quy định cụ thể về sự phối hợp giữa VP ĐKĐĐ với các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Chẳng hạn, về công tác ĐKĐĐ, tài sản gắn liền với đất, cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, Quy chế quy định: Sau khi VP ĐKĐĐ, chi nhánh VP tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, đo đạc, lập bản đồ và chuyển hồ sơ đến UBND cấp xã, thì UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc, như: Đối với hồ sơ có giấy tờ theo quy định, trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc phải xác nhận vào đơn và gửi hồ sơ cho VP ĐKĐĐ, chi nhánh. Đối với hồ sơ không có giấy tờ theo quy định, trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xét duyệt, niêm yết công khai, xác nhận vào đơn và gửi hồ sơ cho VP ĐKĐĐ, chi nhánh.
Về phối hợp trong cấp đổi, cấp lại GCN, GCN QSHNƠ, GCN quyền sở hữu công trình xây dựng, Quy chế quy định: Trong thời hạn 6 ngày làm việc, VP ĐKĐĐ, chi nhánh phải kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đăng ký theo quy định; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính… Đồng thời, trong 2 ngày làm việc, Sở TN-MT có trách nhiệm ký GCN…
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)