Niềm vui của người dân làng rượu Vĩnh Cửu
Ngày 15.3, người dân làm nghề nấu rượu ở xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh vui mừng khi nhãn hiệu tập thể rượu Vĩnh Cửu chính thức được công nhận. Ðây là đặc sản đầu tiên của huyện Vĩnh Thạnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Chị Phượng rót rượu vào vỏ chai mới mang nhãn hiệu Rượu Vĩnh Cửu. Ảnh: X.DŨNG
Sau 3 năm xây dựng mô hình và thương hiệu, đến nay “Rượu Vĩnh Cửu” đã chính thức được trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho 40 hộ dân ở 2 xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh với hiệu lực 10 năm. Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp là chủ nhãn hiệu tập thể.
Bà con làm nghề nấu rượu ở đây rất mừng vì sản phẩm do chính tay mình làm ra từ nay đã được “danh chính ngôn thuận” để đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm rượu Vĩnh Cửu, thị trường tiêu thụ rộng mở và giá trị của sản phẩm cũng được nâng cao.
Tiến sĩ Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH-CN, khẳng định: Việc sở hữu nhãn hiệu hàng hóa là rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Việc công nhận nhãn hiệu tập thể rượu Vĩnh Cửu cho Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các hộ nông dân làm nghề nấu rượu. Qua đó động viên bà con giữ gìn chất lượng sản phẩm và cùng nhau quản lý thương hiệu này, góp phần đưa sản phẩm vươn ra thị trường ngoài tỉnh để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp, cho biết gia đình chị làm nghề nấu rượu gần chục năm nay, mỗi ngày cho ra thành phẩm khoảng 18 lít rượu. Những tháng trước và sau Tết, rượu nấu đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mỗi năm vào dịp Tết, chị nấu bán được khoảng 400 lít, chủ yếu được bán ngay tại nhà, một phần bán cho người dân trong huyện, một phần bán cho người mua làm quà Tết để biếu bà con, họ hàng, bạn bè ở xa. “Chất lượng rượu Vĩnh Cửu lâu nay đã được nhiều người gần xa biết đến, nay được Nhà nước công nhận nhãn hiệu rượu Vĩnh Cửu, bà con chúng tôi rất vui mừng và tự thấy có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ chất lượng sản phẩm” - chị Phượng bộc bạch.
Ông Đặng Văn Xoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp, chia sẻ: Với nhãn hiệu tập thể, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã... sẽ được thực hiện nghiêm ngặt, các hộ tham gia sản xuất và kinh doanh phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chế biến, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định. Hội Nông dân xã sẽ thường xuyên kiểm tra sản phẩm của các hộ gia đình làm nghề để giữ gìn và phát triển thương hiệu Rượu Vĩnh Cửu”.
Có nhãn hiệu, rượu Vĩnh Cửu sẽ không bị các loại rượu kém chất lượng trà trộn làm ảnh hưởng đến uy tín. Nhãn hiệu “Rượu Vĩnh Cửu” được công nhận còn giúp cho người dân Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh có thêm cơ hội thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường và đưa thương hiệu sản phẩm đi xa, nâng cao thu nhập.
XUÂN DŨNG
Rượu Vĩnh Cửu ngon tuyệt, hơn cả Bàu Đá về độ ngon ngọt, tinh khiết và nặng. Đơn giản là vì lâu nay làng nghề chưa bị thương mại hóa, chưa bị lợi nhuận lôi kéo " lương tâm" và chưa bị làm giả, làm nhái. Khi chưa bị thương mại hóa, số lượng khách hàng chưa nhiều, nên dân làng vẫn nấu vừa đủ bán nhỏ lẻ, chủ yếu lấy hèm nuôi heo. Nếu vẫn giữ y nguyên như vậy, thì rượu vẫn mãi ngon về chất lượng. Nhưng một khi khách đặt hàng nhiều, phải "tăng ca, tăng kíp" nhiều, rồi cạnh tranh nội bộ với nhau về giá bán, dẫn tới giảm chất lượng, pha chế lung tung...dẫn tới tự diệt vong. Câu chuyện đó đã và đang xảy ra ở làng Cù Lâm-quê hương của Bàu Đá. Hi vọng, làng Vĩnh Cửu rút kinh nghiệm, đừng để mai một, thui chột, mất uy tín như "người bạn kia". Nhưng sẽ rất khó cưỡng lại mãnh lực của đồng tiền. Do đó, chỉ có 1 cách duy nhất là: dân làng rượu, phải Đoàn Kết, quyết giữ chữ Tín - Uy Tín và Chất Lượng. Có vậy mới tồn tại bền lâu. Mừng cho làng, nhưng cũng đã bắt đầu Lo...