Phù Cát: Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân
Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) trên địa bàn huyện Phù Cát đã giúp hàng ngàn lượt hộ hội viên nông dân (HVND) vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống...
Một nông dân ở xã Cát Trinh chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: L.N.T
Ông Trần Bách Tụ, ở thôn Chánh An, xã Cát Hanh chia sẻ: Dù nguồn vốn vay từ QHTND không lớn, nhưng đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện đầu tư chăn nuôi bò. Đồng thời, khi tham gia vào dự án chăn nuôi bò lai sinh sản, tôi được tập huấn phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, có điều kiện để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ nhiều hộ khác. Nhờ vậy, việc chăn nuôi bò của gia đình tôi ngày càng phát triển tốt, hiện có 3 con bò sinh sản và 4 con bò thịt.
Nguồn vốn QHTND tuy chưa cao, nhưng đã thực sự có ý nghĩa với các mô hình nhỏ và vừa, giúp HVND mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập trung ở nông thôn; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, tạo thêm việc làm. Hiện tổng nguồn vốn QHTND trên địa bàn huyện trên 3,8 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn của Trung ương, Tỉnh hội ủy thác là 2,7 tỉ đồng, vốn của huyện và xã trên 1,1 tỉ đồng.
Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, cho vay đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng vốn vay; tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để HVND trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
Nguồn vốn QHTND đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, hiện phục vụ 30 dự án với 200 hộ vay vốn. Cụ thể như nuôi bò lai sinh sản ở xã Cát Chánh, Cát Nhơn, Cát Hiệp; nuôi heo ở Cát Minh; nuôi vỗ béo bò và xây dựng mô hình trồng tiêu ở xã Cát Trinh; sản xuất bún bánh ở thị trấn Ngô Mây… Thông qua thực hiện các dự án đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, giảm tỉ trọng trồng trọt, tăng tỉ trọng chăn nuôi, dần hình thành các khu sản xuất tập trung, đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư...
Việc hỗ trợ cho nông dân vay vốn sản xuất thông qua QHTND đã phát huy hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của nông dân là rất lớn trong khi nguồn QHTND còn hạn chế, mức cho vay thấp. Mong rằng, các cấp chính quyền, Hội Nông dân tăng cường khai thác các nguồn vốn, tạo điều kiện cho nhiều HVND được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
LƯƠNG NGỌC TẤN