Tượng đài Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Sinh Sắc mang nhiều ý nghĩa
Ðể tưởng nhớ và tri ân công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bậc sinh thành, tỉnh Bình Ðịnh đã báo cáo và được sự đồng ý của Trung ương, công trình tượng đài Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Sắc cùng với bức phù điêu được đặt tại Quảng trường trung tâm tỉnh (đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn) sẽ được xây dựng.
Sở VH-TT &DL lắp dựng hệ khung theo mô hình tỉ lệ 1:1 tượng đài Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Sinh Sắc tại Quảng trường Trung tâm tỉnh.
“Nước mất, hãy đi tìm nước, chớ tìm cha”
GS Song Thành, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh-Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong một bài viết phân tích về ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành, đã cho rằng Nguyễn Tất Thành tiếp nhận được những điều tốt đẹp từ tấm gương của người cha kính yêu.
Theo GS Song Thành, trước hết, đó là tấm gương ý chí kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để đạt cho được mục tiêu. Ông Nguyễn Sinh Sắc nêu cao tấm gương hiếu học, khổ học. Sau này ý chí cứu dân, cứu nước sôi sục, thiết tha, không nhụt chí, không nản lòng của Nguyễn Ái Quốc chính là sự kế tục ý chí của thân phụ mình, có điều ở cường độ mãnh liệt hơn, với mục tiêu cao cả hơn. GS Song Thành nhận định: tấm gương ý chí đó còn gắn liền với tấm gương lao động của cha. Nguyễn Sinh Sắc từ khi nhỏ đã phải lao động. Ngay cả khi đỗ Phó bảng rồi ông vẫn cuốc đất làm vườn cùng với con cái. Nếu không có tấm gương và sự giáo dục đó của thân phụ mình, Nguyễn Tất Thành không thể khẳng khái, giơ hai bàn tay ra nói với bạn: “Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”.
Tháng 5.1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thừa lệnh Triều đình Huế cử vào coi thi ở Bình Định. Nguyễn Tất Thành và anh là Nguyễn Tất Đạt cùng đi theo cha. Đến đầu tháng 7.1909, cụ Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc) được chính thức bổ nhiệm chức Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn). Đến Bình Khê, Nguyễn Tất Đạt ở lại với cha, còn Nguyễn Tất Thành được gửi học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại TP Quy Nhơn. Tháng 3.1910, cụ Nguyễn Sinh Sắc được triệu hồi về kinh đô Huế. Chia tay cha, Nguyễn Tất Thành ở lại Bình Định một thời gian để tiếp tục việc học tập. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín đã cùng thống nhất sau quê hương Nghệ An và Huế, thì Bình Định là địa phương còn lại trong nước mà Nguyễn Tất Thành có thời gian lưu lại lâu nhất. Đặc biệt, Bình Định cũng là nơi duy nhất chứng kiến cuộc chia tay lịch sử đầy ý nghĩa của Nguyễn Tất Thành với cha mình trong những năm đầu của thế kỷ XX, để lên đường thực hiện hoài bão cao cả cứu dân, cứu nước với dặn dò “Nước mất, hãy đi tìm nước, chớ tìm cha”. Sinh thời, cụ Nguyễn Sinh Khiêm (tức Nguyễn Tất Đạt) kể rằng đó là câu nói mà phụ thân Nguyễn Sinh Sắc đã dặn khi Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn lên thăm cha tại Bình Khê cuối năm 1909...”.
Phối cảnh tượng đài Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Sinh Sắc và phù điêu tại Quảng trường Trung tâm tỉnh.
Trưng bày mô hình tượng đài để mọi người góp ý
Cách đây hơn một tuần, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh, Sở VH-TT&DL đã lắp dựng hệ khung theo mô hình tỉ lệ 1:1 tượng đài Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Sinh Sắc cùng bức phù điêu và bố trí các bảng pano hình ảnh thể hiện mô hình tổng thể công trình. Qua đó, nhằm đón nhận sự quan tâm góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tượng đài (gửi về địa chỉ của Sở VH-TT&DL ở 183 đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn), để có cơ sở tham khảo và tổng hợp trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Tượng đài Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Sinh Sắc được phác thảo bởi nhóm tác giả Tạ Quang Bạo và Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa – Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Tượng đài cao 10,8m bằng chất liệu đồng, bệ tượng cao 4,2m được đặt trong không gian sân tượng đài. Về bố cục, cụ Nguyễn Sinh Sắc đứng về phía Bắc, Nguyễn Tất Thành đứng về phía Nam, nhưng cùng nhìn ra hướng biển Đông; tay trái cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa ra phía trước, tay còn lại đặt nhẹ sau lưng con trai Nguyễn Tất Thành. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đội khăn xếp, mặc áo dài, chân đi guốc mộc, dáng vẻ khoan thai. Khuôn mặt cụ thể hiện sự từng trải, vầng trán cao, ánh mắt sáng, toát lên sự tin cậy, trìu mến, phong thái như các bậc nho sĩ đương thời. Nguyễn Tất Thành mặc áo sơ mi dài tay, bỏ trong quần âu, chân đi giày, dáng vẻ tự tin, kiên định, hơi rướn người về phía trước, chăm chú lắng nghe cha dặn dò. Khuôn mặt tượng Nguyễn Tất Thành thể hiện sự thông minh, rắn rỏi, cương nghị, vầng trán cao và ánh mắt sáng.
Sau lưng tượng là bức phù điêu bằng đá có hình cánh cung dài 76m (vị trí trung tâm phù điêu cao 14,5m) với chủ đề về: quê hương Nam Đàn nơi Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên; nơi Nguyễn Tất Thành sống và học tập ở Huế; thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành ở Bình Định; những hình tượng văn hóa di tích lịch sử, trường học của vùng Nam Trung bộ nơi Nguyễn Tất Thành đã đi qua, hoặc đến dạy học một thời gian; hình ảnh Sài Gòn những năm tháng bị thực dân Pháp đô hộ. Trong đó, mảng phù điêu trung tâm được dành để khắc họa sự kiện hai cha con Nguyễn Tất Thành gặp nhau tại Huyện đường Bình Khê, sự kiện Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ; đồng thời thể hiện những nét đặc trưng quê hương Bình Định về phong cảnh, con người, văn hóa lịch sử đã góp phần hun đúc ý chí cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành thực hiện hoài bão lớn trong sự nghiệp tìm đường cứu nước.
HOÀI THU
Tôi từ HN vào công tác ở Quy Nhơn, và đến bên tượng đài ngắm và chụp ảnh! Tối thấy thật xúc động và tự hào về tình cha con, về lòng yêu nước của gia đình Bác Hồ! Thật sự đây là một trong nhưng công trình kiến trúc đặc biệt và mang ý nghĩa to lớn về văn hóa và truyền thống yêu nước cho các thế hệ!
Tôi có nhiều lần ở Quảng trường. Tôi là người lao động cả về thể chất và tinh thần. Tôi thích đến Quảng trường Quy Nhơn, nơi đây tôi thấy bình yên. Hôm nay và một vài lần trước nữa, tôi lại về đây, đứng cạnh Quảng trường, tôi thấy...không còn nữa. Xin thêm vài nốt nhạc để tâm hồn bình thản!
Mô hình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc có chỗ hơi bất ổn : Lúc này (1909) Nguyễn Sinh Sắc mới 47 tuổi, vì Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, nhìn Nguyễn Sinh Sắc có vẻ hơi già so với tuổi.
Sao mô hình tượng biến mất rồi. Xây tượng như vậy là có tội với người nghèo! Tại sao không dùng số tiền xây tượng này để xây trường học, bệnh viện có thiết thực, nhân văn hơn không!
Không phải địa phương nào, thành phố nào cũng làm quảng trường, dựng tượng được..... không phải cứ thấy tỉnh bạn dựng tượng, xây quảng trường thì mình cũng về làm theo...! Các vị đã nghiên cứu kỹ về lịch sử, địa lý....chưa? Nên nhớ dựng tượng không phải để ngồi ngắm nhé. Dựng tượng, xây quảng trường không phải lấy tiếng tăm,...xem như đóng góp cho tỉnh nhà nhé.! Mong các vị nghiên cứu kỹ, hợp lòng dân. Bình Định mình còn nghèo lắm.
* Về tượng đài tại quảng trường: Tên tượng nên đặt ngắn gọn, dễ nhớ, tôi đề xuất nên đặt là Nơi chia tay Cha và Con hoặc Bác Hồ chia tay Cha. Về bức phù điêu phía sau tượng đài: - Đây là quảng trường có tính mở về không gian vì vậy không nên làm bức phù điêu dài như vậy sẽ chắn mất tầm nhìn ở phía sau mà nên chia thành 03 bức phù điêu (chỉ 03 thôi), mỗi bức cách nhau 10m, mỗi bức phù điêu rộng khoảng 30m. Như vậy thì người dân hoặc du khách khi đến đây có thể đứng trước hoặc sau tượng đài đều có thể chiêm ngưỡng được tượng Bác và cha của Người. - Chủ đề trên mỗi bức phù điêu sẽ là: quê hương của Người ở Nghệ An, bức ở giữa sẽ là ngôi nhà của Cha ở Bình Khê, Tây Sơn, và cuối cùng là hình ảnh của Người đi tìm đường cứu nước. - Hình ảnh bức phù điêu ở giữa sẽ là hình chóp nón ( mái nhà ), 2 bức phù điêu 2 bên sẽ là những ngọn núi hoặc những con sóng lớn mang ý nghĩa Người đi tìm đường cứu nước có thể gặp sóng to, gió lớn. - Và đặc biệt là có thể hạn chế sự nhếch nhác sau lưng bức phù điêu này khi nhà dân ở sát quảng trường. * Góp ý về địa điểm nơi dự kiến đặt tượng đài Liệt sỹ tại Công viên thiếu nhi là không phù hợp, vì : - Công viên là nơi vui chơi, giải trí không nên đặt tượng đài Liệt sỹ ở đây rất thiếu sự nghiêm túc. - Về mặt tâm linh là không phù hợp, sẽ không trấn được giặc hoặc thiên tai. - Về mặt thu hút du lịch: sẽ không tạo được điểm thu hút du khách khi có khách du lịch ghé đến. Chính vì vậy, theo tôi nên đặt đài Liệt sỹ tại đỉnh núi nhỏ nhô ra ngay ngã 5 Đống Đa sẽ phù hợp hơn, nơi đây sau khi san bằng khoảng 1ha và làm đường dẫn lên ( bên cạnh việc đặt tượng đài Liệt sỹ thì không quên làm 2 trụ cờ 2 bên: 01 lá cờ Tổ quốc và 01 lá cờ Đảng) thì sẽ trở thành một điểm du lịch lý thú ngay tại Quy Nhơn, vì: - Nơi đây đã có quy hoạch du lịch sinh thái, khi đặt đài Liệt sỹ tại đây thì nơi đây sẽ thành một điểm du lịch vì đứng trên đây có thể nhìn được toàn cảnh Tp Quy Nhơn mà bất cứ du khách nào khi đến Quy Nhơn cũng không thể bỏ qua được. - Về mặt tâm linh: đài Liệt sỹ sẽ là nơi các Anh hùng liệt sỹ có thể đứng trên đó để bảo vệ Bình Định hay Tp Quy Nhơn xinh đẹp của chúng ta tránh được thiên tai hoặc giặc xâm lăng - Về mặt du lịch: nơi đây chúng ta có thể bán vé để thu lại số tiền chúng ta đã bỏ ra đầu tư, tôi nghĩ nơi đây sẽ thu hút khách du lịch nhiều nhất đấy. Xin cám ơn các đồng chí đã đọc ý kiến đóng góp này.
Ý kiến của anh Hoa Khá chuẩn! Chúng ta làm tượng không chỉ phục vụ cho dân Việt Nam, mà còn cho cả du khách nước ngoài. Khi họ nhìn chữ tên bên dưới, nhìn lên thấy người tương ứng. Họ hiểu. Ý kiến của anh Hồng Sinh cần tiếp thu: nên đưa câu nói bất hủ của Cụ Sắc vào chân tượng, nhằm giáo dục cho con cháu mai sau về lòng yêu nước. Câu nói này có ý nghĩa giáo dục rất cao.
“CHA VÀ CON” cái tên gọi này nó chẳng gợi nhớ nên một kỷ niệm nào cả, có chăng chỉ nói lên mối quan hệ bình thường ở đâu cũng có. Phía dưới lại thêm dòng chữ “NGUYỄN TẤT THÀNH-NGUYỄN SINH SẮC”, đọc và nghe nó có vẻ thiếu đi sự tôn kính. Theo tôi, tượng đài với mục đích khắc họa cuộc chia tay lịch sử giữa Bác Hồ và Cha (cụ Nguyễn Sinh Sắc). Vì vậy, nên chăng ta đặt tên cho Tượng đài là “BÁC HỒ CHIA TAY CHA” và dưới là dòng chữ “Nước mất, hãy đi tìm nước, chớ tìm cha” ( Bỏ dòng chữ “NGUYỄN TẤT THÀNH-NGUYỄN SINH SẮC”). Như vậy, chỉ cần đọc tên gọi của Tượng đài là mọi người đều hiểu được ý nghĩa, thể hiện được sự yêu mến, kính trọng… và không bị trái phía như góp ý của bạn HOA KHÁ
Theo tôi, nên điều chỉnh tượng lại 1 chút đó là: tượng Bác Hồ hơi cúi và nghiêng đầu về phía cha, lắng tai nghe cha dặn dò thì sẽ toát lên ý muốn thể hiện của tác giả. Còn 01 trong các phù điêu phía sau phải có ảnh Bến Nhà Rồng, trường Dục Thanh. Còn phần huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) như trong bài báo nói, hình như trước đây tôi có đọc tài liệu nói huyện Bình Khê là huyện mới thời điểm đó và được tách ra từ một số xã của huyện Tây Sơn cộng với một số xã ở những vùng đất mới khai khẩn thuộc huyện An Khê và Vĩnh Thạnh ngày nay thì phải.
tổng kinh phí bao nhiêu? nên cân nhắc kỹ trước khi xây dựng. Giờ là lúc nên đầu tư những gì có lợi cho phát triển kinh tế hơn là ngắm tượng...