Kết luận vụ bệnh nhân tử vong sau mổ... chân tại bệnh viện Đà Nẵng
4 giờ sáng nay (18.3), bà Trần Thị Là (47 tuổi, trú thôn Thạch Bồ, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) đã tử vong sau 10 ngày nhập viện để mổ chân. Việc bà Là đột ngột tử vong sau mổ chân khiến gia đình hết sức bức xúc.
Anh Đặng Thức, con trai bà Trần Thị Là cho biết, ngày 6.3, bà Là bị té gãy chân và được đưa vào chữa trị tại BVĐK Đà Nẵng. Sau khi chẩn đoán bị gãy chân, bà Là về nằm tại Khoa ngoại chấn thương. Đến 9 ngày sau, chiều ngày 15.3, bà Là mới được đưa đi phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ rồi sau đó được đưa sang chăm sóc tại Khoa hồi sức ngoại khoa.
Sau vài giờ đồng hồ phẫu thuật, bà Là có những biểu hiện khó thở, tím tái, co giật rồi tụt huyết áp... Sau 2 ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu, đến 4 giờ sáng 18.3, bà Là qua đời.
Theo hồ sơ bệnh án, bà Trần Thị Là bị gãy liên cầu lồi xương đùi bên phải, gãy phức tạp. Qua rất nhiều khâu xét nghiệm, chờ xếp lịch mổ… bà Là được chỉ định phẫu thuật kết hợp nẹp xương bằng nẹp vít và vít xốp. Tình trạng sức khỏe bà Là khi phẫu thuật ghi rõ: tỉnh táo, thở đều, huyết áp ổn định.
Trước diễn tiến bệnh xấu dẫn đến cái chết đột ngột của người thân, ông Đặng Thiện (chồng bà Là) và anh Đặng Thức (con trai bà Là) bức xúc cho rằng cái chết của bà Là là do sự tắc trách của các y bác sĩ bệnh viện. Người nhà nạn nhân cho rằng các bác sĩ đã chậm trễ (9 ngày) trong điều trị cho bệnh nhân.
Sáng 18.3, Hội đồng khoa học của Bệnh viện Đà Nẵng làm việc với bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng để xác định nguyên nhân tử vong của bàTrần Thị Là.
Tại buổi tiếp xúc của lãnh đạo Sở Y tế với lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng sau cuộc họp, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng xác định đây là một sự cố y khoa. Theo bác sĩ Thạnh, qua kiểm tra hồ sơ và quy trình điều trị, Hội đồng khoa học Bệnh viện Đà Nẵng xác định cái chết của bệnh nhân có khả năng là do thuyên tắc mạch phổi và khả năng thứ 2 là sốc phản vệ sau khi truyền máu.
Trước nghi vấn "người nhà nạn nhân nghi ngờ truyền lộn nhóm máu", bác sĩ Trần Ngọc Thạnh cho rằng khả năng này không thể xảy ra vì quy trình truyền máu rất chặt chẽ. Để truyền một bịch máu cho bệnh nhân phải qua 7 công đoạn kiểm tra nên không thể nhầm lẫn.
Về câu hỏi tại sao bệnh viện để đến 9 ngày sau mới mổ cho bệnh nhân, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh cho rằng bệnh nhân thuộc diện "mổ chương trình" chứ không phải "mổ cấp cứu" nên có thời gian để các khoa, phòng làm xét nghiệm và sắp xếp lịch mổ. Trước khi mổ, các bộ phận khám tiền phẫu cũng tiến hành đúng các quy định của ngành. Khi mổ, bệnh nhân được gây tê qua tuỷ sống, phương pháp mổ theo đúng chỉ định. Sau khi mổ, bệnh nhân tỉnh táo.
"Trong quá trình mổ, bệnh nhân bị mất trên 500ml máu nên được chuyển về khu hồi sức sau mổ, các bác sĩ ra y lệnh truyền máu. Đang truyền bịch máu thứ 3 thì bệnh nhân khó thở, ngừng tuần hoàn máu, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời. Gần 1 giờ đồng hồ sau khi được cấp cứu, bệnh nhân có mạch và huyết áp trở lại. Chúng tôi nghĩ rằng tập thể bệnh viện cố gắng hết sức, tập trung cao độ đối với bệnh nhân, không chỉ với bệnh nhân Là mà tất cả các bệnh nhân đều vậy. Tuy nhiên, bệnh nhân nằm trong khu chăm sóc đặc biệt lại bị sự cố nên chúng tôi rất lấy làm tiếc" - bác sĩ Thạnh cho biết.
Bác sĩ Thạnh cũng cho biết, tỷ lệ người bị gãy xương dài gặp sự cố thuyên tắc mạch phổi khi mổ là từ 1% đến 3%. Tuy nhiên, khi bệnh nhân bị thuyên tắc mạch phổi thì tỷ lệ tử vong là 30%.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sau khi mổ xong, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Sau khi đưa ra phòng hồi sức sau mổ, bệnh nhân nói chuyện được với người nhà. Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân sau mổ là huyết áp, nhịp tim và mạch đều ổn định. Bệnh nhân tự thở bình thường. Quy trình mổ là bình thường nhưng biến chứng đã xảy ra sau khi mổ.
Theo bác sĩ Nhân, Y văn cũng ghi nhận nhiều về thuyên tắc mạch phổi ở những bệnh nhân gãy xương dài và tỷ lệ tử vong đến 30%. Và đây không phải là trường hợp đầu tiên mà bệnh viện Đà Nẵng gặp phải.
Trao đổi với báo giới, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà nẵng cho biết: Sau khi xảy ra sự cố, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đà Nẵng họp Hội đồng y khoa với sự có mặt của lãnh đạo Sở Y tế và phòng Nghiệp vụ Y để đánh giá lại toàn bộ quá trình từ tiếp nhận bệnh nhân cho đến khi gặp sự cố. Sở Y tế kiểm tra lại toàn bộ quá trình, chúng tôi thống nhất với chẩn đoán cuối cùng của Bệnh viện là thuyên tắc mạch phổi và khả năng sốc phản vệ trong truyền máu. Gia đình bệnh nhân rất bức xúc nên có những đánh giá chưa thực sự khách quan và chưa hiểu hết ngành y tế. Chưa có sự thông cảm và hiểu hết ngành y. Qua phân tích thì thấy rằng quy trình rất đúng. Chúng tôi khẳng định bệnh viện mổ trường hợp này là đúng quy trình chuyên môn. "Đến giờ phút này, tất cả những nhận định, đánh giá của Hội đồng khoa học bệnh viện là chính xác. Vì vậy, chúng tôi thống nhất với kết luận của Hội đồng khoa học của bệnh viện" - bà Yến khẳng định.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bên hành lang bệnh viện, anh Đặng Thức, con trai bà Trần Thị Là vẫn không chấp nhận mọi giải thích của bệnh viện và cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao dẫn đến cái chết của mẹ anh và ai là người phải chịu trách nhiệm.
Theo Nguyên Khôi (SGGP)