Chuyện của những người “giữ lửa”
Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, sáng 18.3, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh tổ chức giao lưu - tọa đàm “Yêu thương và chia sẻ”, với sự tham gia của 25 gương phụ nữ thành đạt trong các gia đình văn hóa tiêu biểu. Ở đó, mỗi câu chuyện là một kinh nghiệm - bí quyết giữ “lửa ấm” gia đình của người phụ nữ hiện đại; một quan điểm - cách thức để tạo dựng, giữ gìn hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, xã hội hôm nay.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà tặng hoa cho các phụ nữ điển hình tham gia tọa đàm.
Chia sẻ bí quyết “giữ lửa”
Mở đầu câu chuyện về gia đình mình, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh Lê Thị Phằng nhẹ nhàng ngâm nga mấy câu tâm đắc: Khi rời xa mới biết ý nghĩa của gia đình/ Mới biết niềm vui trong từng cử chỉ/ Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ/ Vì chỉ một nụ cười cũng đủ ấm con tim... Rồi chị chia sẻ, gia đình là tổ ấm nếu mỗi thành viên biết vun đắp, chắt chiu, san sẻ cùng nhau những niềm vui, hạnh phúc của riêng mình. Nghe thì có vẻ như đơn giản, nhưng cuộc sống vốn dĩ muôn màu muôn vẻ, có muôn ngàn lý do và những tác nhân khiến cho nền móng gia đình tưởng chừng như vững chãi lại dễ dàng sụp đổ.
“Đó là khi “cái tôi” trong mỗi con người quá lớn, chỉ cần một chút “quá đà” của người chồng hay một chút “vô tâm” của người vợ cũng dễ dàng làm lung lay cuộc sống gia đình; hay khi thiếu đi sự dạy dỗ tận tâm, cha mẹ chỉ có công sinh thành mà thiếu đi trọng trách dưỡng dục, thì những mầm non đâu dễ gì có nhân cách cao đẹp”, chị Phằng phân tích.
Còn theo chị Hoàng Thị Tuyền (giáo viên Trường Tiểu học số 1 Phước An, huyện Tuy Phước), một trong những điểm mấu chốt để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình là công khai tài chính, sử dụng đồng tiền hiệu quả. Tài chính là vấn đề rất quan trọng, nếu không giải quyết tốt sẽ dễ gây ra nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Không thể để xảy ra tình trạng thu nhập của ai chỉ có người đấy biết. Và, người vợ cần phải có kế hoạch chi tiêu trong gia đình một cách cụ thể và khoa học.
“Kế hoạch chi tiêu đó phải đạt yêu cầu là an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Có đồng tiền để chi trước mắt và dự trữ để chi cho các hoạt động lâu dài, phòng khi ốm đau. Những khoản chi tiêu quan trọng cần được sự bàn bạc, thống nhất của cả hai vợ chồng. Có như vậy, chúng ta mới thật sự thực hiện được chí hướng: vật chất, tiền nong là phương tiện để xây dựng gia đình hạnh phúc”, chị Tuyền khẳng định.
Ở một góc độ khác, thiếu tá Nguyễn Thị Liên (Phòng Hậu cần - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho rằng, để xây đắp hạnh phúc gia đình, vợ chồng phải thương yêu và cảm thông chia sẻ, tương trợ nhau, không nên quan niệm “đàn ông là cái nhà, đàn bà là cái bếp”. “Cả vợ và chồng luôn hiểu nhau và biết tha thứ cho nhau, lắng nghe và sẵn sàng sửa lỗi khi vợ hoặc chồng góp ý… Đặc biệt, hôm nào chồng tôi không trực thì chúng tôi cùng nhau lo bữa cơm cho cả nhà, nếu khi nào có việc đột xuất thì phải thông báo cụ thể. Bởi bữa cơm là dịp để gia đình cùng nhau chuyện trò, chia sẻ sau những ngày lao động vất vả, kết thêm tình đoàn kết, thương yêu nhau”, chị Liên kể.
Quang cảnh chương trình giao lưu - tọa đàm “Yêu thương và chia sẻ”.
Muôn màu hạnh phúc
Thế nào là hạnh phúc? Hạnh phúc thể hiện ra sao trong cuộc sống thường ngày? Khó có thể tìm được những câu trả lời đồng nhất. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, hạnh phúc không phải là một thứ gì đó quá cao sang, xa xỉ. “Với tôi, hạnh phúc đơn giản là những buổi chiều con gái ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ, dành một ít thời gian xoa bóp cho ba. Tranh thủ những khoảnh khắc ấy, ba, mẹ, con tâm sự với nhau những việc đã trải qua trong ngày, biết chia sẻ với nhau về công việc, quan tâm đến sở thích của mỗi thành viên trong gia đình”, chị Nguyễn Thị Khánh (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) chia sẻ.
“Vượt qua cách nhìn ở một mẫu số chung về hạnh phúc đó là yêu thương, hạnh phúc là chia sẻ, chương trình giao lưu - tọa đàm hôm nay còn có ý nghĩa khai mở ra cho chúng ta một chặng đường mới với quyết tâm mới, sức bật mới; thúc đẩy các hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu cơ bản của con người: việc mưu cầu hạnh phúc”.
Ông NGUYỄN MINH ĐOAN, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL.
Thực tế cuộc sống hôm nay còn không ít những cảnh đời nghèo khó, gian nan. Ở cơ quan cũng như địa phương, vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên đều tích cực ủng hộ quỹ Vì người nghèo, quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam, quỹ Khuyến học; nhiệt tình tham gia khám, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí; ủng hộ gạo, quần áo, chăn màn cho người nghèo… “Góp phần xây dựng cộng đồng hạnh phúc - khi đó mỗi gia đình mới thật sự hạnh phúc một cách bền vững”, chị Liên khẳng định.
Đây là ý kiến nhận được nhiều sự đồng tình từ các đại biểu tham gia giao lưu. Ông Trần Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà 1 trong 3 khẩu hiệu chính của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay là “Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc!”. Không nên đặt “hạnh phúc” trong phạm vi gia đình hạn hẹp. Bởi, người ta còn phải xây dựng và hưởng hạnh phúc ở những không gian rộng rãi hơn, như cơ quan làm việc hằng ngày.
MAI LÂM