Thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa
“Để làm cho nông thôn có đời sống kinh tế và văn hóa bằng thành phố là cả một vấn đề khó khăn và lâu dài nhưng là con đường tất yếu mà chúng ta phải làm”, GS.TS, NSND Đình Quang nói.
Đại diện một số nông dân tại cuộc đối thoại
“Tổ quốc và ý nguyện của nông dân”, cuộc đối thoại do báo điện tử Tổ Quốc tổ chức hôm 20.6. Các diễn giả thuộc nhiều lĩnh vực: PGS.TS Lê Văn Năm, NSND Đình Quang, PGS.TS Đào Mạnh Hùng (Vụ Đào tạo, Bộ VHTT&DL) và PGS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục) đăng đàn trả lời câu hỏi của một số nông dân đến từ xã Sơn Đông, Tây Tựu.
Nếu lấy tiêu chí nông thông không còn nhà tranh vách đất, quả nông thôn nay đổi khác rất nhiều. NSND Đình Quang bảo, nếu địa chỉ ngày xưa sống ở thời nay cũng phải khóc, vì đời sống người nông dân nay đã khác.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng kể, khi làm Lều chõng, anh và nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn khốn khổ, không dám nâng máy quay lên cao một chút để lấy toàn cảnh. Dấn tay một chút là “dính” ngay nhà ngói, ăng ten.
Nhưng nhìn vào mức độ hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, chúng ta dễ nhận thấy sự chênh lệch quá lớn. Trong khi dân thành phố lớn chán ngấy với những show nghệ thuật lớn của các nghệ sĩ tên tuổi, khán giả thôn quê chủ yếu thưởng thức nghệ thuật qua truyền hình. Sách báo ê hề ở thành phố, lại hiếm và đáng quý ở các làng quê. Chẳng thế mà các nhà làm chính sách phải đẩy mạnh các loại tủ sách nông thôn, tủ sách dòng họ.
Trả lời thắc mắc của một nông dân về hưởng thụ văn hóa, NSND Đình Quang nói: “Trước hết chúng ta phải đẩy mạnh chuyển tải sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh thông qua phương tiện nghe, nhìn. Tiếp đến là các loại sách, tranh ảnh, chiếu bóng, băng đĩa … vì đó là những thành phẩm có thể phát tán một cách dễ dàng”.
Tại buổi đối thoại, PGS.TS Lê Văn Năm trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Tranh (Sơn Tây) làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Ông cũng chỉ ra những được, mất của nông dân sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến trình bày người nông dân được hưởng gì, cần gì từ nền giáo dục.
NSND Đình Quang cho rằng, tiếp sau đó cũng cần chú trọng các sản phẩm nghệ thuật mà sự hưởng thụ và tính sáng tạo là đồng thời: ca múa nhạc, sân khấu. “Nếu ngành văn hóa không quyết định một cách mạnh mẽ về chỉ tiêu phục vụ cho các đơn vị chuyên nghiệp đối với nông thôn và không có những chính sách phù hợp với nó, thì đời sống nông thôn sẽ vẫn rất khổ”, ông nói.
Có một thực tế khác, nhiều đơn vị tư nhân, xã hội hóa đang chiếm lĩnh thị trường phục vụ nhu cầu nâng cao văn hóa cho nông thôn. Tuy nhiên, chạy theo lợi nhuận nên không tránh khỏi “treo đầu dê, bán thịt chó”, mang loa phóng thanh quảng cáo rầm rầm chương trình có nghệ sĩ tên tuổi. Dân bỏ tiền mua vé và có cảm giác bị lừa.
“Phải để người nông dân được hưởng thụ những sản phẩm văn hóa, vì chúng được hình thành từ tiền thuế của dân. Sản phẩm văn hóa từ thuế của dân, nhưng thành phố được nhiều, nông thôn được ít. Đó là sự bất công”, NSND Đình Quang nhấn mạnh.
Theo TPO