PGS.TS Hồ Thế Hà: Miền lý luận với thuyền trăng
PGS.TS Hồ Thế Hà không phải là người nổi trội trên các lĩnh vực văn chương ông tham gia. Ông cứ đều đều can dự với một năng lượng dường như không cạn kiệt, càng về sau càng khác, khá hơn trước. Ông được đồng nghiệp và bạn bè yêu mến, lớp trẻ tin cậy. Đó là hạnh phúc của một đời người.
Hồ Thế Hà (sinh năm 1955) quê ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Ông ra Huế học Đại học Ngữ văn rồi định cư và gắn bó với công việc giảng dạy, nghiên cứu, sáng tác. Ông đã thành danh ở xứ Cố đô quy tụ nhiều anh tài văn học nghệ thuật.
PGS. TS Hồ Thế Hà tại một cuộc giao lưu với CLB Văn học Xuân Diệu (Quy Nhơn).
1.
Hồ Thế Hà có nhiều lần được bầu làm Ủy viên BCH các Hội VHNT Thừa Thiên- Huế, BCH Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên- Huế, rồi phụ trách mảng lý luận phê bình tạp chí Sông Hương… hẳn nhiên cũng phần nào mặc định uy tín của ông. Người ta tin ông, ngoài chuyên môn còn tin ở tấm lòng: ông là người lành hiền, không nỡ làm mắc lòng ai bao giờ. Biết người ấy chẳng ra gì, ông cũng không nói lời miệt thị.
Những lúc ngồi chơi với bạn bè ông lại hấp dẫn với kho chuyện tiếu lâm luôn được bổ sung từ những chuyến đi dạy nhiều vùng miền.
Mảng phê bình lý luận thường ông viết khi có đặt hàng từ những hội thảo, những hội nghị phê bình lý luận. Còn thơ chủ yếu viết khá nhanh sau mỗi cuộc chơi với bạn bè, để ý thấy dưới mỗi bài thơ những ghi chú cẩn thận về địa điểm, thời gian sáng tác rất chu đáo.
Hồ Thế Hà là người có trí nhớ rất tốt. Ngồi chơi với bạn, ông có thể đọc vanh vách thơ người khác nếu ai đó bỗng nhắc tên. Một lần ông về Quy Nhơn và uống rượu cùng bạn văn thơ đã hơn 1 giờ sáng thì có chuyện liên quan gì đó về nhà thơ Lệ Thu, ông nhờ đưa đi thăm chị. Tôi ngại quá, nhờ có vợ chồng nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ cũng quen thân Lệ Thu nên mấy chúng tôi tới đứng ngoài cổng mà réo cửa. May nhà thơ riết rồi cũng nghe ra mở cửa, Hồ Thế Hà xin phép lên đốt hương bàn thờ cha nữ sĩ rồi mấy chị em ngồi với nhau, 2 giờ sáng rồi mà cũng vui như gặp nhau cà phê buổi sáng. Vì ngày mai phải đi sớm nên ông tìm đến nhà bà chị dù đã khuya, chứ không phải cái ngẫu hứng điên điên thi sĩ. Ông có cái tỉnh của lý luận phê bình níu lại rồi, và căn cốt, ông lụy tình.
2.
Hồ Thế Hà bắt đầu sự nghiệp lý luận phê bình của mình từ chuyên luận “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên”, chuyên luận được bổ sung, sắp xếp lại từ luận văn tiến sĩ của ông. Có thể nói chuyên luận này là một nghiên cứu khá đầy đủ và khoa học về nghệ thuật thơ họ Chế. Tất nhiên theo cách phê bình quen thuộc của kiểu kinh viện một thời mấy chục năm qua. Khuôn mẫu ấy có phần nhàm tẻ nhưng đã là khuôn thì chấp nhận thôi.
Nói “bắt đầu” là từ luận văn ấy chứ trước đó, khi chưa in chuyên luận, Hồ Thế Hà đã in nhiều tác phẩm: “Sức bền của thơ” (viết với GS.TS Mã Giang Lân), “Thức cùng trang văn” (viết với Lê Xuân Việt), “Thơ và thơ Việt Nam hiện đại”, “Tìm trong trang viết”, “Thao thức thơ” (viết với Th.S Triều Nguyên).
Tác phẩm phê bình- tiểu luận và chuyên luận của Hồ Thế Hà khá phong phú: viết cho từng tác giả, cho một thời kỳ, về các quan niệm, về hệ thống lý thuyết tiếp nhận, rồi viết giáo trình đại học…, nhưng ông thiên về mảng thơ hơn văn xuôi. …Thấy rõ Hồ Thế Hà “đa dạng” trong tiếp nhận, từ thơ thời Thơ Mới đến những riêng, độc đáo Nguyễn Quang Thiều, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn…
Tập chuyên luận “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên”.
Với mỗi gương mặt thơ, ông đều tìm ra cách tiếp cận riêng và có những kiến giải riêng trong đánh giá. Ví dụ, ở Hội thảo tầm quốc gia cuối năm 2012 tại Bình Định về Hàn Mặc Tử, với cách tiếp cận rất riêng của mình về Hàn qua tham luận “Thế giới biểu tượng trong thơ Hàn Mặc Tử- từ Đạo nguồn đến nghệ thuật”, ông đã trực tiếp tranh luận với nhiều nhà phê bình, nhà thơ, nhà văn về quan niệm tôn giáo trong thơ Hàn. Người muốn “nhập vào”, người muốn “tách ra” yếu tố tôn giáo trong ám ảnh thơ Hàn. Người ông phản biện hôm đó là GS.TS Chu Văn Sơn. Ông đọc tham luận sau và lên tiếng chứ không có diễn đàn tranh hơn thua. Thấy Hồ Thế Hà có cái lý của ông, dù rằng tranh luận mảng này không dễ có hồi kết...
3.
Hồ Thế Hà đã xuất bản 5 tập thơ. Thực ra kế hoạch ban đầu của ông là 4 tập, đến “Thuyền trăng” thôi, tập thơ ông muốn viết về “cái muôn trùng”, cái vô biên của vũ trụ, sau những kiến giải về con người, về mặt đất, về bầu trời… của các tập thơ trước. Nhưng rồi ông vẫn in tiếp “Tơ sương”, tập thứ 5. Có thể thấy đây là một nỗ lực khác của Hồ Thế Hà, vì “Tơ sương” là tập thơ đầy tính thể nghiệm. Với những cách tân táo bạo.
Nếu 4 tập thơ trước vẫn là Hồ Thế Hà càng lúc càng đằm sâu hơn về những nghiệm sinh, “Tơ sương” là một thay đổi toàn diện, thay đổi một trăm tám mươi độ. Nếu như các tập thơ trước, nhiều bài lập tứ hoặc có các ý mang tính phản biện và đã có bài hay như “Phản biện biển” thì “Tơ sương” là một phản tư cô đặc với mỗi bài chỉ có 3 câu. Chưa bao giờ thấy Hồ Thế Hà mạnh dạn đẩy thơ đến khía cạnh trò chơi ngôn ngữ, đến vấn đề tính dục và sử dụng mọi phương thức ẩn dụ, cách nói lái dân gian, ngôn ngữ dân gian làm phương thức biểu đạt. Không, không hẳn là phương thức, mà đó còn là nội dung. Ở một mức độ nào đó, có thể nói “Tơ sương” có phần gần với thơ Haiku lại không ít bài bước vào hình thức hậu hiện đại, tân hình thức, trường phái ông chưa hề tán dương trước đây.
Ông là người am tường các hệ thống lý thuyết văn chương từ công việc và miệt mài cập nhật- dễ thấy điều này qua tiến trình khác đi sau này ở mảng phê bình lý luận. Nên, sáng tác theo hệ mỹ học nào, theo trường phái nào là việc không nhiều phức tạp với ông. “Tơ sương” hẳn nhiên khó tiếp nhận vì độ hàm ngôn, vì trò chơi ngôn ngữ nhưng là một nỗ lực làm mới mình đáng ngạc nhiên của Hồ Thế Hà.
LÊ HOÀI LƯƠNG