Loại bỏ các nút thắt thể chế làm sai lệch, méo mó thị trường
Sáng 21.3, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Đánh giá tổng quát về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2011-2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường... được QH thông qua, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu như: thu nhập thực tế của người dân, tỷ lệ giảm hộ nghèo, tạo việc làm và một số chỉ tiêu về xã hội. 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm là 5,91% (mục tiêu là 6,5-7%); Bội chi ngân sách nhà nước vào năm 2015 là 6,1% (mục tiêu là dưới 4,5% GDP); dư nợ của chính phủ trong GDP vào năm 2015 là 50,3% (mục tiêu là dưới 50%); tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế vào năm 2015 là 51,6% (mục tiêu là 55%); Tỷ lệ che phủ rừng năm 2015 là 40,73% (mục tiêu là 42-43%). Nhìn tổng quát lại trong 5 năm qua, chính phủ nhận định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn nhưng đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch. Việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Kinh tế phục hồi còn chậm... Nguyên nhân được chỉ ra ngoài yếu tố khách quan thì trực tiếp và quyết định nhất là các yếu tố chủ quan như việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường. Phương thức lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và việc đào tạo, sử dụng cán bộ còn nhiều mặt hạn chế. Tính thượng tôn pháp luật, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Các biện pháp thực hiện thiếu cụ thể và chưa kiên quyết, chưa bắt kịp với yêu cầu của thực tiễn. Quản lý thị trường, giá cả, điều hòa cung cầu một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống chưa kịp thời, chưa đồng bộ, kém hiệu quả. Các chính sách xã hội hóa chậm được đổi mới, thiếu cơ chế rõ ràng, minh bạch, chưa khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn để phát triển các lĩnh vực xã hội. Trên cơ sở quan điểm phát triển đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, qua thực tiễn 5 năm 2011-2015 và yêu cầu của bối cảnh tình hình mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ; từng bước hiện đại, ưu tiên một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, bảo đảm số lượng hợp lý có sức chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Theo Bảo Hân (Hà Nội mới)