Thể thao phong trào và bệnh thành tích
Trong bất cứ giải thi đấu thể thao ở cấp độ nào, thành tích cao luôn là mục tiêu mà bất kì VĐV hay đơn vị nào tham gia đều muốn đạt được. Tuy nhiên, với nhiều đơn vị, bằng cách này hay cách khác, luôn muốn cải thiện thành tích bất chấp việc gian lận trong thi đấu.
Gian lận trong thi đấu là vấn đề có thật trong các giải thể thao phong trào. Có thể nhận thấy rõ điều này ở các Hội thao truyền thống ngành, cụm thi đua của các đơn vị sở, ngành. Ban đầu thi đấu cho vui, nhưng qua vài lần tham gia giải, không nỡ mãi cảnh tay trắng, nên đành phải… mượn người. Có đội bóng chuyền ra thi đấu mà “gà nhà” chỉ có một người, còn lại toàn “gà chiến” tuyển lựa từ nơi khác về. Có đội bóng thi đấu vòng bảng 3 trận, trận đầu quân nhà thi đấu thua tan tác, lãnh đạo đội bàn phương án tác chiến mượn người, 2 trận sau với lực lượng “dự bị” hùng hậu đã tiến thẳng vào chung kết, thậm chí lên ngôi vô địch.
“Mượn người” luôn là đề tài nóng hổi trong các giải đấu thể thao phong trào. Không ít sự cố đã xảy ra tại nhiều Hội thao ngành, cụm thi đua. Đối với một vài đơn vị, thi đấu thể thao dù chỉ là cấp phong trào, phải thật sự minh bạch và công tâm; nhưng với đại đa số tập thể, cá nhân thì đều “dĩ hòa vi quý” và “tặc lưỡi” cho qua. Vậy nên mới có chuyện, một đơn vị khi phát hiện đối phương mượn người thi đấu, định kiện lên BTC giải nhưng VĐV bên kia cũng tình cờ phát hiện “nguyên đơn” trà trộn vào thành phần thi đấu vài “người lạ”. Thế là hòa cả làng.
Khổ nhất là các nhà tổ chức, không thể nắm hết danh sách và thành phần VĐV thi đấu. Nhiều BTC giải đã dùng nhiều biện pháp siết chặt tình trạng gian lận trong thi đấu, như đề nghị VĐV thi đấu phải có hình thẻ, xác nhận đóng dấu của cơ quan, đơn vị, đoàn viên thanh niên thi đấu phải có sổ đoàn, bảng lương do đơn vị xác nhận, mang theo chứng minh nhân dân… Nhưng khi có “luật” thì cũng lại có biện pháp đối phó.
M.N