Quản lý và khai thác giá trị khu di tích tháp Đôi: Cần đầu tư, đổi mới tốt hơn
Với giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, tháp Đôi được nhiều người ví là viên ngọc quý trong lòng thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, làm thế nào để “viên ngọc quý” tỏa sáng, phát huy giá trị trong việc thu hút khách đến thăm quan, nghiên cứu là điều đến nay vẫn chưa làm được.
Chi gấp 4,5 lần thu
Theo báo cáo Ban Quản lý di tích tỉnh là Công ty cổ phần Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, trong những năm qua, ước tính bình quân hằng năm nguồn thu chính từ tiền bán vé cho khách thăm quan chỉ khoảng 120 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng tiền bán vé chỉ được 10 triệu đồng, mỗi ngày khoảng 330 ngàn đồng. Nguồn thu ít, nhưng tổng chi phục vụ quản lý khu di tích tháp Đôi lên đến 550 triệu đồng/năm (chưa bao gồm khoản chi cho cán bộ thuyết minh di tích). Như vậy, chênh lệch chi lớn hơn thu trong những năm qua là 430 triệu đồng/năm.
“Đêm hội tháp Đôi” do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức là hoạt động biểu diễn văn nghệ duy nhất ở di tích tháp Đôi hằng năm.
Ẩn sau những con số thu-chi nêu trên là những vấn đề rất đáng quan tâm trong việc khai thác và phát huy giá trị của một di tích kiến trúc nghệ thuật có niên đại cuối thế kỷ XII-đầu thế kỷ XIII; được giới nghiên cứu đánh giá hết sức độc đáo vì vừa có mặt bằng kiến trúc đặc trưng của tháp Champa mang phong cách Bình Định, vừa mang phong cách nghệ thuật Khmer thời Ancovat-Bayon; đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1980. Điểm lợi thế của di tích tháp Đôi so với các tháp Chăm khác trên địa bàn tỉnh là có vị trí thuận lợi nằm trên trục đường lớn ở TP Quy Nhơn, cũng là nơi tập trung đông du khách, nhất là những năm gần đây. Như vậy, tại sao lượng khách đến thăm quan tháp Đôi vẫn rất ít so với tiềm năng, giá trị có thể phát huy được của di tích!?. Điều này có nguyên nhân quan trọng là do tháp Đôi cũng mới chỉ được đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng phần nào về không gian, cảnh quan, và mỗi năm ở đây chỉ có duy nhất một hoạt động văn hóa nghệ thuật là “Đêm hội tháp Đôi” diễn ra vào tối mùng 2 Tết.
Chị Dương Thị Thanh Hiếu, một người dân Quy Nhơn hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi cùng nhiều đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh tối 19.3 vừa qua đã đến thăm quan di tích tháp Đôi. Ai cũng khen tháp đẹp và tranh thủ chụp hình lưu niệm vì di tích đã đến giờ đóng cửa. Tôi nghĩ với không gian và kiến trúc đẹp như tháp Đôi, nếu có sự đầu tư bài bản hơn về cơ sở vật chất, tổ chức thêm các hoạt động phục vụ du khách nhất là vào ban đêm như hát, múa Chăm chẳng hạn, thì sẽ lôi cuốn mọi người đến nhiều hơn!”.
Cần sớm chuyển giao đơn vị quản lý
Ngày 5.8.2015, tại cuộc họp bàn biện pháp quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đồng ý chủ trương chuyển giao khu di tích tháp Đôi (bao gồm khuôn viên và mặt bằng tháp Đôi) cho Sở VH-TT&DL quản lý để gắn với việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Chăm, biểu diễn nghệ thuật, bán hàng lưu niệm tại khu vực này theo quy hoạch đã phê duyệt.
Đoàn du khách TP Hồ Chí Minh thăm quan di tích tháp Đôi tối 19.3.
Đầu tháng 11.2015, Sở VH-TT&DL đã mời các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan họp và đã thống nhất việc bàn giao khu di tích tháp Đôi cho ngành quản lý để có những dự án đầu tư, tổ chức hoạt động thu hút khách đến với di tích theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Đến đầu tháng 1.2016, Sở VH-TT &DL tiếp tục tổ chức cuộc họp để góp ý về dự thảo “Kế hoạch tiếp nhận khu di tích tháp Đôi”. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu dự họp, Sở VH-TT&DL đang thực hiện các bước lập thủ tục trình UBND tỉnh để tiếp nhận quản lý khu di tích tháp Đôi. Sở đã đề nghị UBND TP Quy Nhơn có văn bản thống nhất việc bàn giao di tích tháp Đôi, đồng thời cung cấp số liệu thống kê diện tích được giao cho khu di tích và toàn bộ tài sản, giá trị đầu tư, công trình kiến trúc hiện có tại di tích để bổ sung vào nội dung Kế hoạch.
Theo Kế hoạch, về tổ chức bộ máy biên chế phụ trách khu di tích tháp Đôi sẽ do cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh được phân công kiêm nhiệm. Để ổn định bộ máy hoạt động, tổ chức phục vụ khách thăm quan tất cả các ngày trong tuần, Sở VH-TT&DL cần tuyển 6 biên chế, hợp đồng về thuyết minh viên, cán bộ quản lý kiêm thu phí thăm quan, nhân viên bảo vệ...
Sau khi hoàn thành việc lập Kế hoạch tiếp nhận khu di tích tháp Đôi trình UBND xem xét, phê duyệt và cấp kinh phí hoạt động, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức sắp xếp nhân sự, biên chế, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo Ban Quản lý di tích tỉnh tiếp nhận phục vụ khách thăm quan. Lãnh đạo Sở VH-TT &DL cho biết, cần có thời gian để khu di tích tháp Đôi hoạt động ổn định, Sở VH-TT&DL mới tiếp tục xin chủ trương UBND tỉnh lập dự án quy hoạch mở rộng khu di tích, đầu tư xây dựng Bảo tàng Chăm và các hạng mục khác phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động nhằm lôi cuốn nhiều hơn du khách đến với tháp Đôi.
HOÀI THU