Công tác phòng chống, loại trừ sốt rét giai đoạn 2016-2020: Tập trung đối phó với sốt rét ngoại lai
Theo nhận định của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (SR-KST-CT) Quy Nhơn, công tác phòng chống sốt rét ở miền Trung - Tây Nguyên đã đạt được kết quả vượt bậc trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, khu vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là biến động dân số lớn, cùng sự chủ quan ở một số tuyến điều trị.
So sánh các chỉ số của năm 2015 so với năm 2011 cho thấy bệnh nhân sốt rét của toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên giảm 53,7%, sốt rét ác tính giảm 84,3%, tỉ lệ ký sinh trùng sốt rét giảm 45,9%, tử vong do sốt rét giảm từ 6 ca còn 1 ca, không có dịch sốt rét xảy ra trong giai đoạn này. Bình Định đứng thứ 4 về tỉ lệ giảm ca mắc trong 15 tỉnh, thành của khu vực.
Lấy lam máu xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét cho người dân vùng nguy cơ cao ở huyện Phù Mỹ.
Nhận diện thách thức
Có một thực tế không thể phủ nhận là tư tưởng chủ quan nảy sinh khi dịch bệnh đang được đẩy lùi. Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, điều này không chỉ xảy ra ở cộng đồng mà còn ở các nhà quản lý, khi có lúc chương trình phòng chống sốt rét bị đe dọa xóa sổ, nguồn lực bị cắt giảm hoặc cung cấp nhỏ giọt không đảm bảo nhu cầu thực hiện, thiếu sự quan tâm chỉ đạo ở các vùng sốt rét giảm thấp. Thậm chí, tâm lý chủ quan còn xuất hiện ở cả cán bộ y tế, minh chứng qua 3 trường hợp tử vong gần đây.
“Phân tích nguyên nhân 3 trường hợp tử vong do sốt rét tại Đắk Lắk năm 2015 (1 ca) và Phú Yên năm 2016 (2 ca) đều thấy các lỗi sơ đẳng từ cả 2 phía: bệnh nhân đến viện muộn và nhân viên y tế chẩn đoán nhầm bệnh khác, nên không kịp thời điều trị đặc hiệu dẫn đến bệnh tiến triển nặng và tử vong”, ông Chương cho hay.
Ông Chương cũng cho rằng, mặc dù các chỉ sốt rét giảm sâu nhưng chưa thật sự bền vững, nhất là ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên có đặc điểm tự nhiên và khí hậu thuận lợi cho bệnh lưu hành và phát triển quanh năm. Đặc biệt, tình trạng di biến động dân số khó kiểm soát (dân di cư tự do, dân đi rừng, làm rẫy/ngủ rẫy, dân giao lưu biên giới, làm thuê theo mùa vụ ở những vùng sốt rét lưu hành...). Số liệu thống kê hằng năm cho thấy hầu hết số ca mắc và tử vong do sốt rét đều tập trung chủ yếu ở những đối tượng này.
Bình Định cũng không nằm ngoài quy luật đó. Số ca sốt rét ngoại lai luôn “áp đảo” so với sốt rét nội địa. Sự chênh lệch đạt đỉnh điểm vào năm 2012, với tỉ lệ số ca có ký sinh trùng sốt rét ngoại lai/nội địa là 370/154. Trong các năm qua, nhiều địa phương có tỉ lệ sốt rét ngoại lai luôn đạt ngưỡng 100% như TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn…
Tập trung phòng bệnh cho dân di biến động
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, các bệnh ký sinh trùng, côn trùng khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015, định hướng kế hoạch 2016-2020 và đến 2030 được tổ chức mới đây tại TP Quy Nhơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Viện SR-KST-CT Quy Nhơn cần xem xét tăng độ bao phủ người dân được bảo vệ bằng các biện pháp phòng chống sốt rét, tăng cường giám sát hoạt động chẩn đoán tại các tuyến, nhất là chẩn đoán ký sinh trùng; cần được xét nghiệm tất cả người dân đi về từ vùng sốt rét lưu hành. “Về hoạt động cấp màn tẩm hóa chất cho người dân, cần lựa chọn loại màn phù hợp thực tế điều kiện từng vùng để người dân sử dụng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
PGS-TS. Nguyễn Văn Chương cũng cho rằng, kiểm soát dòng người di biến động là “mấu chốt” quyết định sự thành bại của công tác phòng ngừa, tiến tới loại trừ sốt rét. “Một số tỉnh Tây Nguyên đã tiến tới kiểm soát dân đi rừng ngủ rẫy và triển khai hoạt động dự phòng, không đợi đến lúc mắc bệnh. Mô hình này cần được nhân rộng và phát huy hiệu quả”, ông Chương bày tỏ.
Để hạn chế tình trạng mắc sốt rét cho những người đi rừng, ngủ rẫy với nhiều hình thái hoạt động khác nhau, bác sĩ Nguyễn Võ Hinh (nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Viện SR-KST-CT Quy Nhơn) cho rằng, phương pháp bảo vệ lều tạm, nhà tạm làm nơi trú ẩn tạm thời cho đối tượng này rất cần thiết. Ngoài sử dụng màn ngủ tẩm hóa chất thường xuyên mang theo, việc dùng những tấm vải tẩm hóa chất diệt muỗi treo gắn ở các cột chống mái, cửa ra vào và cửa sổ của lều tạm, nhà tạm cũng là biện pháp quan trọng phòng ngừa khá hiệu quả.
Trong khi đó, tại Bình Định, theo Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét- Các bệnh nội tiết tỉnh Hoàng Xuân Thuận, địa bàn trọng tâm của công tác đối phó với sốt rét chính là các thôn bản có nhiều đối tượng di biến động vào vùng sốt rét lưu hành nặng trong và ngoài tỉnh kiếm việc làm, nhất là trồng rừng thương mại, khai thác thổ sản.
“Chúng tôi sẽ chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động phòng chống sốt rét của y tế xã, thôn trong việc quản lý đối tượng nguy cơ; đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến, đặc biệt là y tế xã, thôn, bản”, bác sĩ Thuận chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG