QUỐC HỘI KHÓA XIII HỌP PHIÊN CUỐI:
Quốc hội sẽ bầu, phê chuẩn nhiều chức danh lãnh đạo Nhà nước
Hôm qua (21.3), Quốc hội khóa XIII long trọng khai mạc kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Với đà phát triển của đất nước, những tháng đầu năm 2016, kinh tế - xã hội (KT-XH)đạt được kết quả khả quan, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, giáo dục, y tế... có bước phát triển; an sinh được bảo đảm, phúc lợi cải thiện, tiềm lực quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên...
Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015) và quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020...
Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án luật: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất, nhập khẩu (sửa đổi).
Do là kỳ họp cuối cùng của Khóa XIII nên Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016. Các phiên thảo luận về những báo cáo này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Trong buổi sáng, trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Đại bộ phận các tầng lớp nhân dân trong cả nước quan tâm và đánh giá cao việc tổ chức thành công Đại hội XII của Đảng, tích cực hưởng ứng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; ghi nhận, đánh giá cao công tác chăm lo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp đối với các gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIII, ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động phối hợp của MTTQ Việt Nam với các cơ quan hữu quan trong công tác xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội; ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới về tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án và Viện kiểm sát trong việc thực thi pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: “Nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC)”.
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình KT-XH năm 2015, kết quả giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cũng đã tăng cường quản lý chi ngân sách, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội và phát triển con người, nợ công cơ bản trong giới hạn theo quy định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp hơn 1,8 lần so với 5 năm trước, đạt bình quân 31,7% GDP. Cùng với đó, vốn FDI thực hiện tăng 35,6%, vốn ODA giải ngân tăng 61%. Chính phủ cũng đã tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, phát triển KT-XH trong giai đoạn vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và một số cân đối lớn ổn định chưa vững chắc.
Do đó, trong các giải pháp đề ra để đạt được những mục tiêu của giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Chính phủ, mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách Nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Theo Ngọc Thành-VOV